Một căn nhà không quá lớn về diện tích, cũng không quá cầu kỳ về thiết kế, cũng không quá gần trung tâm, cái cần nhất đó là đủ tiện ích nội khu, giá vừa với túi tiền và kết nối giao thông thuận tiện. Nhưng xem ra, đây vẫn là một bài toán khó…
Mòn mỏi chờ căn nhà đầu tiên:
Ngóng đợi căn hộ mình sẽ được bàn giao vào cuối năm để đón Tết, vợ chồng anh Huỳnh Văn Long, hiện đang ở trọ tại quận 9 (TP HCM) cho biết, để mua được căn nhà rộng 68 m2 với 2 phòng ngủ tại thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương này, anh chị đã phải mất 8 năm tích cóp, cộng với 4 tháng tìm kiếm dự án để mua.
Tin tức khác: Đồng Nai sẽ đấu giá khoảng 20 khu 'đất vàng', giá khởi điểm trung bình hơn 850.000 đồng/m2
Đưa tôi đi thăm dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện, anh Long kể, cứ cuối tuần, vợ chồng anh lại phóng xe từ khu trọ tới thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương để coi dự án đã hoàn thiện tới đâu. Dù dự án ở tỉnh, nhưng lại sát vách quận Thủ Đức (TP HCM), cùng nằm trong đường Phạm Văn Đồng. Từ dự án đi vào trung tâm TP HCM cũng chỉ mất 20 phút.
Thị trường bất động sản năm 2020 đang có nhiều biến động
“Tôi quê tỉnh Quảng Nam, vợ tôi dân Đà Lạt. Hai vợ chồng vào TP HCM học rồi ở lại lập nghiệp và cưới nhau khi mới 24 tuổi. Sau 8 năm tích cóp, 2 vợ chồng có được hơn 300 triệu đồng, mượn thêm gia đình hơn 100 triệu đồng, thế là quyết định đi mua nhà. Vòng khắp TP HCM không thể mua được nhà, bởi giá nhà quá cao, trong khi khoản tích lũy của mình ít”, anh Long nói.
Anh Long cho biết, giá nhà bình quân tại TP HCM là hơn 2 tỷ đồng/căn hộ. Đóng trước 30% giá trị căn hộ, số còn lại vay ngân hàng. Tuy nhiên, với số tiền thu nhập của hai vợ chồng khoảng 30 triệu đồng/tháng, vay gói 6 năm thì không đủ trả tiền gốc và lãi ngân hàng hàng tháng. Vì vậy, anh quyết định đi xa hơn để mua nhà.
Năm 2018, vợ chồng anh Long tìm được một dự án tại đường Phạm Văn Đồng, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương với giá 1,6 tỷ đồng/căn hộ 68m2, gói vay 20 năm. Với chính sách bán hàng này của chủ đầu tư, vợ chồng anh chỉ phải trả 15 triệu đồng tiền vay ngân hàng hàng tháng, còn lại khoảng 15 triệu đồng cho sinh hoạt và tích cóp.
Tuy nhiên, không phải người trẻ nào cũng gặp may mắn tìm được dự án ưng ý như vợ chồng anh Long.
Gia đình anh Phạm Văn Cường, gồm 2 vợ chồng và đưa con hiện đang thuê trọ ở căn phòng rộng 9m2 tại quận Bình Tân, TP HCM cho biết, ngao ngán với cảnh ở trọ nay đây mai đó, vợ chồng anh quyết định mua nhà. Tuy nhiên, hơn 1 năm trời tìm kiếm, mà không thể tìm được dự án nào phù hợp.
Anh Cường cho biết, vợ anh làm giáo viên, anh làm ở Viện kiểm sát nhân dân TP HCM, nhà anh ở quận Tân Phú. Tuy nhiên, bố mẹ anh đẻ được 4 người con, trong khi căn nhà chỉ rộng 50m2, nên khi lấy vợ, anh xin ra ngoài ở riêng. Theo quy định, vợ chồng anh thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội. Năm 2014 khi Chính phủ triển khai gói 30.000 tỷ đồng, vợ chồng anh rất hào hứng, nhưng lúc đó lại chưa đủ tiền, nên đành gác lại giấc mơ.
Tin tức khác: Đón xuân Canh Tý BĐS Cần Thơ nơi dạo bước của nhiều ông lớn
Đến năm 2018, khi tích cóp được hơn 400 triệu đồng, thu nhập cũng tăng lên, anh chị quyết định mua nhà. Phân khúc anh chọn là nhà chung cư dưới 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, tìm gắp TP HCM trong hơn 1 năm qua, anh cũng không thể tìm được dự án nào có giá dưới 1,5 tỷ đồng. Trong khi đó, nếu chọn mua sản phẩm cao hơn, thì lại không đủ hạn mức thu nhập để ngân hàng cho vay. Kết quả, giấc mơ có nhà vẫn xa tầm với của anh Cường.
Những người có khoản cảnh như gia đình anh Cường không phải hiếm tại TP HCM, bởi theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP HCM, Thành phố hiện có 50.000 cặp gia đình trẻ có nhu cầu muốn mua nhà ở.
Hàng nghìn căn hộ bị bỏ hoang:
Một buổi sáng ngồi cà phê đọc báo, một thông tin làm tôi chú ý, đó là việc TP HCM lại muốn đấu giá hơn 3.790 căn hộ tái định cư tại quận 2. Đây là số nhà tái định cư đã được xây dựng từ năm 2010 với số lượng lên tới hơn 12.500 căn với mục đích phục vụ cho người dân trong diện đền bù giải tỏa Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tuy nhiên, người dân lại không về ở và năm 2018, lần đầu tiên TP HCM quyết định bán đấu giá lượng hàng này.
Lần đầu đấu giá, Thành phố muốn bán sỉ số lượng căn hộ trên cho doanh nghiệp để doanh nghiệp chia nhỏ bán cho người dân, nhưng kết quả, không doanh nghiệp nào tham gia đấu giá. Lần thứ 2 tổ chức đầu năm 2019 cũng ế ẩm, vì mức giá đưa ra quá cao so với giá trị sản phẩm.
Lần này, TP HCM quyết định bán lẻ cho người dân, nhưng dù có rất nhiều người có nhu cầu về nhà ở, nhưng không có ai tham gia. Lý do vẫn không có gì mới, đó là nhà ở tái định cư, nhưng Thành phố đưa ra mức giá trên 40 triệu đồng/m2, cao hơn nhiều so với nhiều dự án nhà ở thương mại.
Vậy là một lần nữa hàng chục ngàn căn hộ đã xây xong này tiếp tục bị bỏ hoang phí, trong khi hàng chục nghìn cặp vợ chồng trẻ vẫn miệt mài ôm giấc mộng an cư.
Có lần ngồi uống cà phê trà dư tửu hậu với người viết, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho biết, TP HCM hiện vẫn còn khá nhiều quỹ đất, giá như Thành phố hiểu hơn nhu cầu nhà ở của người dân, thì những quỹ đất này sẽ không bị bỏng hoang như hiện nay.
Tin tức khác: Kỳ vọng gì trên thị trường bất động sản 2020?
Theo vị doanh nhân này, thành phố phát triển như hiện nay, phải kể đến sự đóng góp to lớn của những người nhập cư. Họ về đây lập nghiệp, góp chất xám, tiền thuế cho Thành phố phát triển, nhưng chính bản thân họ lại chật vật trong việc tìm chỗ an cư.
Nhâm nhi ly cà phê, ông Phúc cho rằng, TP HCM nên chia ra các phân khu, rồi lập quy hoạch xây dựng đô thị lớn tại phân khu này. Kinh phí có thể kêu gọi doanh nghiệp mua trái phiếu thành phố, rồi lấy tiền đó đền bù giải tỏa. Doanh nghiệp nào mua trái phiếu nhiều, thì được ưu tiên vào tham gia phát triển dự án. Với kế hoạch này, bảo đảm doanh nghiệp nào cũng muốn tham gia và không khó để TP HCM giải được bài toán thiếu cung nhà ở cho người thu nhập trung bình, thu nhập thấp.
(Nguồn Họa Mi/Baodautu)
* Tất cả bài viết đều thuộc về tuongtaccongdong.com, những sao chép hoăc sử dụng lại yêu cầu ghi trích dẫn nguồn về tuongtaccongdong.com. Xin cảm ơn!