Nhằm hình thành và phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, UBND TPHCM đã xây dựng đề án thành lập TP phía Đông trực thuộc TPHCM, trên cơ sở sáp nhập 3 quận 2, 9 và Thủ Đức.
Qua đề nghị của Bộ Nội vụ, mới đây Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã ký Văn bản 1157/UBND-TH, gửi Bộ Xây dựng để xin ý kiến về thành phần hồ sơ, đề án phân loại đô thị và chương trình phát triển đô thị phục vụ đề án thành lập TP trực thuộc TPHCM.
Tin tức khác: TP.HCM tìm cách “giải cứu” 63 dự án bất động
ĐTTC đã có cuộc trao đổi với PGS.TS NGUYỄN MINH HÒA, chuyên gia về đô thị học, người có nhiều nghiên cứu các mô hình đô thị trên thế giới, đã công bố ở Việt Nam từ năm 1990.
Việc sáng lập thành phố sáng tạo trong thành phố rất cần nhiều yếu tố
PHÓNG VIÊN: - Thưa, ông đánh giá như thế nào về đề xuất xây dựng mô hình TP trong TP của TPHCM vừa gửi các bộ ngành Trung ương?
PGS.TS NGUYỄN MINH HÒA: - Tôi cho rằng ý muốn này chưa căn cứ trên các cơ sở thực tiễn quy định của pháp luật hiện hành, mà thiên về mong muốn và cảm xúc nhiều hơn. Trên thực tế đề xuất này rất khó được Bộ Xây dựng hoặc cao hơn là Thủ tướng Chính phủ chấp nhận. Điều này đã xảy ra vài lần khi TPHCM trình đề án chính quyền đô thị lên các cấp ở Trung ương. Bởi chưa có trong tiền lệ, muốn thực hiện điều này, đầu tiên phải thay đổi nhiều bộ luật liên quan như Luật Quản lý Đô thị, Luật Quản lý hành chính Nhà nước, Luật Xây dựng…
Hiện ở Việt Nam đã có cơ cấu TP trong TP chưa? Trên thực tế chưa có, nhưng nếu có cấu trúc tổ chức hành chính, quan hệ chiều dọc và chiều ngang, công tác quản lý đô thị (hành chính, dân số, kinh tế-tài chính) sẽ như thế nào? Chúng ta tạm gọi TP mà chính quyền TPHCM đang mong muốn xây dựng trên cơ sở sát nhập 3 quận phía Đông là TP Sáng tạo, nó sẽ có cấu trúc như thế nào?
Về nguyên tắc, nếu là TP phải là đơn hành chính độc lập có lãnh thổ xác định, có dân số, có Thành ủy, UBND và HĐND TP. Tất nhiên có hoạt động kinh tế và tài chính độc lập, chỉ có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội là chung. Trong trường hợp này nó quan hệ như thế nào với phần còn lại (19 quận, huyện) của TPHCM, bản thân nó được tổ chức như thế nào với 1 đơn vị hành chính?
Tin tức khác: TP HCM đề xuất lập “thành phố trong thành phố”
TP Sáng tạo có UBN, có Thành ủy, có HĐND… hay không? Và quan hệ với TPHCM là quan hệ ngang bằng hay quan hệ trên dưới? Khi xây dựng mô hình này TPHCM muốn 2 cấp, tức chỉ có TP và phường hay TP và quận. Nhưng trong trường hợp này không phải 2 cấp mà 4 cấp, đó là TP lớn, trong TP lớn có TP nhỏ, trong TP nhỏ có quận và phường. Đây là mô hình khó thực thi trong thực tế.
Như vậy chủ tịch UBND TPHCM và chủ tịch TP Sáng tạo là ngang bằng hay trên- dưới? hay trực nó thuộc vào Trung ương? Về mặt quản lý hành chính là không ổn. Khu vực TP Sáng tạo có diện tích khá lớn, nhưng nếu chỉ là cấp dưới của TPHCM và không có cơ cấu chính trị-hành chính độc lập, cũng chỉ là 1 quận hợp thành, to hơn, đông dân hơn và mang tên mới. Còn chức năng của nó có thể thiên về khoa học công nghệ, giáo dục không thể là TP được. Do đó muốn làm điều này phải sửa các luật nêu trên.
Muốn làm như thế TPHCM phải chuyển đổi sang 1 trong 2 mô hình Vùng đô thị hay tỉnh. Mô hình thứ nhất là TP đa cấp trong tỉnh, như ở Liên bang Nga có TP Maxtcova nằm trong tỉnh Matxcova (tỉnh Matxcova có 28 TP, bao gồm cả Maxcova). Hay ở Hàn Quốc có tỉnh Gyeonggi có 31 TP, trong tỉnh này có TP Seul. Một thí dụ khác, trước đây vào thời nhà Nguyễn tỉnh Gia Định có địa giới rộng lớn bao hàm cả TP Sài Gòn và TP Chợ Lớn trong đó.
Mô hình thứ hai là vùng đô thị như Metro Manila của Philippines, hay Jabodetabek của Indonesia. Metro Manila bao gồm 17 TP đồng cấp về quản lý hành chính. Mỗi TP là 1 thực thể hành chính-chính trị độc lập, với bộ máy lãnh đạo và tài chính riêng. Quản lý Vùng đô thị này là Hội đồng các thị trưởng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng thống.
Như vậy chúng ta phải thay đổi mô hình như thế nào đó trên diện tích 2.100km2 có nhiều TP lớn nhỏ cùng tồn tại chính danh, trong đó có TP Sáng tạo, TP Phú Mỹ Hưng, TP Thủ Thiêm... Hoặc theo mô hình Vùng đô thị giống như Manila (Philippines) có 17 TP và 17 TP này có quyền lực ngang bằng nhau, mỗi TP có bộ máy riêng, như Thị trưởng, Hội đồng TP, bộ máy tài chính và cơ chế vận hành riêng… Các TP này dưới quyền quản lý của Hội đồng các Thị trưởng và Hội đồng này dưới sự chỉ đạo của Tổng thống.
Nếu là mô hình Vùng đô thị, TP Sáng tạo sẽ ngang bằng với các TP khác của TPHCM. Việc ra đời 1 mô hình phải dựa trên cơ sở của luận chứng khoa học, không nên dựa vào cảm tính hay ý muốn chủ quan. Vì vậy tôi cho rằng trong bối cảnh hiện nay mô hình này phải có sự thống nhất toàn quốc (Hà Nội cũng đang trong tình trạng tương tự), trước hết là luật và sau đó là mô hình lựa chọn.
Nếu mô hình này ra đời sẽ tác động đến sự phát triển của TPHCM như thế nào?
Nếu chúng ta sửa luật, có cơ sở pháp lý để mô hình này ra đời sẽ làm TPHCM trở thành Vùng đô thị rất năng động, và các TP nhỏ trong đó được phát triển tự do, tự chủ hơn. Thí dụ, nếu Phú Mỹ Hưng là TP không phải nằm dưới quyền của 2 phường Tân Phong và Tân Phú, nó sẽ phát triển rất năng động và trở thành điểm sáng.
Bộ Xây dựng tặng danh hiệu “Khu đô thị kiểu mẫu” cho Phú Mỹ Hưng nhưng không biết tặng cho ai, vì đây không phải là đơn vị hành chính, chỉ là tên gọi phản ánh sự mong ước của nhà đầu tư Đài Loan là ông Đinh Thiện Lý. Chúng ta phải chuẩn bị thật kỹ các cơ sở pháp lý cho mô hình trên, không lại giống việc trước kia từng đề xuất chia TPHCM ra thành 5 thành phố: Trung tâm và Đôn-Tây- Nam- Bắc nhưng bị Trung ương bác bỏ.
Tin tức khác: Phao cứu sinh của thị trường condotel
Mô hình TP trong TP là đặc thù hay xu hướng đô thị hiện đại?
Hiện thế giới không phát triển đại đô thị nữa, chỉ phát triển vùng đô thị hay trong 1 tỉnh có nhiều TP, bao gồm các TP đa cấp (lớn, trung bình, nhỏ, cực nhỏ), các TP đa chức năng và TP đơn chức năng (khoa học-công nghệ; công nghiệp, tài chính, vui chơi-giải trí…) và các vùng nông nghiệp sinh thái công nghệ cao, các vùng du lịch. Chúng có mối quan hệ hữu cơ và được nối với nhau bằng hệ thống GT đa cấp, đa chủng loại. Mô hình đại đô thị đơn cực (Megacity) như ở Hà Nội (3.400km2, 7 triệu dân) và TPHCM (2.100km2 với 13 triệu dân) thực tế đã lạc hậu từ những năm 60 của thế kỷ trước.
- Xin cảm ơn ông.
Dự kiến, TP phía Đông sau khi thành lập có diện tích tự nhiên 211,57km2 (đạt 141,05% so với tiêu chuẩn quy định), quy mô dân số 1.169.974 người (đạt 779,98% so với tiêu chuẩn quy định). Tuy nhiên, việc sáp nhập 3 quận để thành lập TP trực thuộc TP chưa có tiền lệ (nếu sáp nhập 3 quận để thành lập 1 quận mới phải phù hợp với chủ trương theo tinh thần Nghị quyết 37, Nghị quyết 653/2019) và TPHCM sẽ là địa phương đầu tiên của cả nước có mô hình TP thuộc TP trực thuộc Trung ương.
(Nguồn Trà Giang/Saigongiaphong)
* Tất cả bài viết đều thuộc về tuongtaccongdong.com, những sao chép hoăc sử dụng lại yêu cầu ghi trích dẫn nguồn về tuongtaccongdong.com. Xin cảm ơn!