100%

Không để các dự án nhà ở biến sông Sài Gòn thành không gian riêng

11 - 09 - 2019

Phượng Nguyễn

Không để các dự án nhà ở biến sông Sài Gòn thành không gian riêng

Đó là kiến nghị của các chuyên gia tại Hội thảo “Quy hoạch và Phát triển bờ kè sông Sài Gòn và sông, kênh nội thành và các giải pháp để hoàn thành cơ bản kè sông Sài Gòn, sông và kênh nội thành vào năm 2025”, diễn ra tại TP.HCM vào chiều ngày 10/9.

Chưa khai thác tốt tiềm năng:

Can khung phap ly phu hop de trien khai viec tan dung nguon tai nguyen doc cac bo song 

Cần khung pháp lý phù hợp để triển khai việc tận dụng nguồn tài nguyên dọc các bờ sông

Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết hệ thống sông ngòi có vai trò quan trọng trong sự phát triển của Thành phố. Tuy nhiên, Thành phố đang đối mặt với nhiều thách thức như, quá trình đô thị hoá gây nên tình trạng sạt lở, sụt lún; hệ thống quản lý chưa đồng bộ khiến các bờ sông đang bị lấn chiếm, xây dựng nhiều dự án cao tầng…

“Việc đặt ra các giải pháp ứng phó và phát huy tiềm năng của phần không gian dọc các sông, rạch… làm đô thị đẹp hơn, tận dụng tiềm năng này góp phần phát triển kinh tế, nhất là lĩnh vực bất động sản.

Tư duy quy hoạch không gian các bờ sông phải nhìn vào thực tiễn của Thành phố, làm không gian mở công cộng, kết hợp phát triển các dự án kinh tế. Thành phố sẽ tận dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết  54/2017/QH14 để thu hút các nguồn lực đầu tư, xã hội hoá trong xây dựng, giao thông, du lịch… dọc các bờ sông”, ông Hoan nói.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, cho rằng Thành phố có lợi thế về các tuyến sông ngòi, nếu tận dụng tốt, có quy hoạch phù hợp thì không gian dọc các bờ sông sẽ tạo cơ hội phát triển du lịch đường thuỷ, vận tải hành khách thuỷ, các dự án bất động sản nằm trong quy hoạch chỉnh trang đô thị…

Tin tức khác: Khách sạn cao cấp tại TP.HCM vẫn đang thiếu

“Tuy nhiên, thời gian qua tính định hướng kết nối chưa được quan tâm đúng mức do chưa có quy hoạch tổng thể, chưa đặt các dòng sông làm trọng tâm cho quy hoạch. Chất lượng quy hoạch còn hạn chế, chưa có yếu tố khai thác dọc hành lang bờ sông. Thiếu đồng bộ quản lý, gây nên tình trạng lấn chiếm vào mục đích cá nhân, như làm bến tàu thuyền, nhà hàng... mà chưa có giải pháp xử lý”, ông Nhã nói.

Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM nhìn nhận, điểm nhấn của Thành phố là sông Sài Gòn và các kênh, rạch nội thành và khu vực ngoại thành. Đây là nguồn tài nguyên quý giá mà tự nhiên ban tặng cho Thành phố, chẳng những có giá trị cao về cảnh quan, môi trường, giao thông, mà nếu có cơ chế chính sách phù hợp thì còn tạo ra nguồn lực lớn về kinh tế và phát triển du lịch.

“Tuy nhiên, do chưa được quy hoạch tổng thể, chưa được kè bờ và tình trạng sông rạch bị lấn chiếm, bị sạt lở, bị ô nhiễm nghiêm trọng đã làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân Thành phố, nhất là các đối tượng sống trên và ven kênh rạch”, ông Châu nêu quan điểm.

Theo Kiến trúc sư Khương Văn Mười, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam thống kê, TP.HCM hiện có 39 tuyến kênh rạch nhưng chỉ có kênh Tân Hóa - Lò Gốm, kênh Tẻ, Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã được chỉnh trang. Hiện hai bên kênh rạch thành phố đã có công viên cây xanh, đường giao thông dọc kênh rạch. Thế nhưng số kênh rạch được chỉnh trang chiếm tỷ lệ quá nhỏ, số còn lại đa phần vẫn chưa hoàn chỉnh theo ý muốn.

Nói về nguyên nhân chậm di dời nhà ở ven, trên sông kênh rạch để chỉnh trang đô thị, phát triển bờ kè một số ý kiến cho rằng, có rất nhiều lý do đổ lỗi cho các tồn tại trên sau nhiều năm chưa có dấu hiệu đột phá. Có thể là ngân sách dành cho đầu tư công eo hẹp. Vì vậy, cần chính sách để cho người dân, cộng đồng có thể tham gia tích cực không chỉ ở giai đoạn lên ý tưởng và lập quy hoạch, mà cả ở giai đoạn duy trì quản lý cải tạo dòng sông.

Kiến nghị giao đất cho chủ đầu tư có dự án gần sông:

Nhằm khai thác có hiệu quả cũng như đảm bảo các vấn đề về quy hoạch, kiến trúc của sông, rạch tại TP.HCM các chuyên gia kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai để quy định giao đất cho chủ đầu tư dự án đến mép bờ cao sông rạch. Đồng thời quy định cơ chế quản lý quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch. 

Trong đó, Kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng quy định thực hiện quy hoạch chi tiết phân khu đối với bờ kè và hành lang bảo vệ sông rạch trên địa bàn đô thị nhằm tôn tạo cảnh quan, môi trường, phát huy lợi ích kinh tế, văn hóa, xã hội trong quá trình khai thác, sử dụng quỹ đất ven sông rạch và nâng cao hiệu lực công tác quản lý nhà nước. Đề nghị xây dựng quy chế quản lý, sử dụng, khai thác kinh doanh đối với quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch để thực hiện thống nhất. 

Tin tức khác: TP.HCM sẽ sớm báo cáo Thủ tướng về tình hình đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản

Theo ông Lê Hoàng Châu, Để khai thác tiềm năng kinh tế của quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch cần phải có các điều kiện như: Có quy hoạch tổng thể quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch, bao gồm quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng. Đi đôi với kế hoạch tổ chức thực hiện phù hợp theo từng giai đoạn. Xây dựng quy chế quản lý, sử dụng, khai thác kinh doanh quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch để thực hiện thống nhất. Thực hiện phương thức đối tác công - tư, xã hội hóa đầu tư để huy động được nhiều nguồn lực trong xã hội tham gia thực hiện các dự án trong hành lang bảo vệ sông rạch và kè bờ.

“Hiện nay, đang trong quá trình điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM, Hiệp hội đề nghị Thành phố chỉ đạo rà soát kỹ quy hoạch hành lang bảo vệ sông rạch, trước hết là sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và các kênh, rạch nội thành; Không để tiếp tục tình trạng phát triển các tòa nhà cao tầng quá dày đặc, lấn át sông Sài Gòn, hoặc biến một phần không gian sông Sài Gòn thành không gian riêng của dự án nhà ở, nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất ven sông rạch vì lợi ích công cộng, đảm bảo cảnh quan, môi trường và phát triển bền vững”, ông Châu nói.

Ngoài ra, ông Châu cũng kiến nghị giao đất dự án cho chủ đầu tư đến mép bờ cao sông rạch và quy định chủ đầu tư dự án có trách nhiệm đầu tư xây dựng bờ kè bảo vệ (kết hợp với nắn mép bờ cao theo phương thức bù trừ đất đai, để chỉnh trị dòng chảy và làm đẹp cảnh quan), đường ven sông, công viên, mảng xanh, các công trình dịch vụ phục vụ lợi ích công cộng trong khu vực quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch và được quyền khai thác, kinh doanh có thời hạn theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Còn ông Nguyễn Thanh Nhã cũng cho rằng, việc quản lý các dự án xây dựng dọc các bờ sông, cần khung pháp lý phù hợp để triển khai việc tận dụng nguồn tài nguyên dọc các bờ sông cho sự phát triển của Thành phố bằng các dự án mang lại hiệu quả kinh tế.

Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cũng cho rằng, phát triển không gian dọc các bờ sông phải lấy dòng sông làm điểm nhấn. Nếu tận dụng phù hợp, không gian dọc các bờ song không chỉ mang lại hiệu quả về cảnh quan đẹp cho đô thị, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho Thành phố.

(Nguồn Trọng Tín/dautubds)

* Tất cả bài viết đều thuộc về tuongtaccongdong.com, những sao chép hoăc sử dụng lại yêu cầu ghi trích dẫn nguồn về tuongtaccongdong.com. Xin cảm ơn!

Mua bán nhà đất

Tin liên quan

Hành trình kết nối cùng Tự tả cơ đồ chinh phục thế giới