Nhiều doanh nghiệp đã âm thầm thâu tóm quỹ đất trong nhiều năm ở các tỉnh và bất ngờ trở thành đại gia bất động sản ngầm.
Nếu như trước đây, các dự án tỉnh lẻ chủ yếu là các tiểu dự án nhỏ lẻ do doanh nghiệp địa phương triển khai, thì hiện nay đã xuất hiện rất nhiều doanh nghiệp lớn như Vingroup, Bitexco, FLC, TNR, Himlam, Kosy, CEO…với các dự án từ vài chục héc-ta cho đến vài trăm héc-ta.
Tin tức khác: Phân khúc nào sẽ dẫn dắt thị trường bất động sản những tháng cuối năm 2019?
Sau vài năm yên ắng, năm 2019, thị trường BĐS tỉnh lẻ bắt đầu có “sóng” trở lại. Ở phía Bắc một số tỉnh như Bắc Ninh, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang… đã ghi nhận sự quan tâm trở lại của nhà đầu tư. Còn ở khu vực phía Nam như Đồng Nai, Long An, Bình Dương... vẫn có những điểm sôi động cục bộ..
Các “đại gia ngầm” ôm đất tỉnh lẻ:
Một trong những đại gia bất động sản phân khúc đất nền phía Bắc được nhắc đến nhiều nhất thời gian hiện nay là Tập đoàn Kosy. Hàng loạt các dự án tại các tỉnh thành phía Bắc mà tập đoàn này đã và đang triển khai như: Khu đô thị Kosy Mountain View (Lào Cai), khu đô thị Kosy Sông Công, khu đô thị Kosy Gia Sàng (Thái Nguyên), khu đô thị Kosy Bắc Giang, khu dân cư thị trấn Cầu Gồ (Bắc Giang)... Theo tìm hiểu, các dự án bất động sản tại các tỉnh phía Bắc mà Kosy đang triển khai chủ yếu là các khu đô thị mới và sản phẩm là đất nền, liền kề, shophouse, biệt thự.
Bất động sản tỉnh lẻ: Nhiều chủ đầu tư tính chuyện “ăn non”
Một tên tuổi khác đang nổi ở các tỉnh là TMS Group. Ngoài hàng loạt dự án BĐS nghỉ dưỡng tại miền Trung như dự án TMS Luxury Hotel Da Nang Beach, tổ hợp đô thị - nghỉ dưỡng – thể thao biển TMS World Resort Mũi Né, tổ hợp khách sạn và căn hộ du lịch 5 sao TMS Luxury Hotel & Residence Quy Nhơn... thì doanh nghiệp này cũng đang triển khai dự án TMS Grand City Phúc Yên có quy mô 18,5 ha tại phường Hùng Vương - thị xã Phúc Yên - tỉnh Vĩnh Phúc với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.500 tỷ đồng.
Cũng tập trung đánh mạnh vào thị trường BĐS tỉnh lẻ, Apec Group (API) là một tên tuổi khá nổi. Các dự án điển hình nhất API đang đóng vai trò chủ đầu tư bao gồm dự án khu đô thị APEC Royal Park Huế, APEC Royal Park Bắc Ninh và APEC Đa Hội (Bắc Ninh), Khu dân cư số 5 Túc Duyên (Thái Nguyên), TTTM ngã ba Bắc Nam (Thái Nguyên)...
Còn phải kể đến hàng loạt tên tuổi khác như Công ty Cổ phần Tập đoàn Bách Việt với dự án khu đô thị phía Đông Bắc thành phố Bắc Giang quy mô 91 ha; Tập đoàn Tiến Bộ với dự án Green City tại thành phố Bắc Giang, dự án bất động sản khu chung cư Gang Thép Thái Nguyên; Tập đoàn Sao Mai với dự án khu đô thị mới Sao Mai quy mô 51 ha tại Thanh Hóa...
Không chỉ các tỉnh phía Bắc, tại thị trường địa ốc miền Trung, các nhà đầu tư cũng đua nhau rót tiền. Đơn cử, tại Nghệ An có sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp như Tập đoàn T&T, Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng và du lịch Bảo Sơn, Tecco, Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô, Công ty cổ phần Xây dựng Vinaconex…
“Bán lúa non” để nhanh thu hồi vốn?
Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào bất động sản tỉnh lẻ chủ yếu là “ăn theo” các tập đoàn lớn mà không có sự tìm hiểu kỹ càng về thị trường. Việc bỏ qua công tác nghiên cứu thị trường sẽ khiến nhà đầu tư vướng vào các bẫy bong bóng bất động sản do cò đất, môi giới tại địa phương tung hỏa mù. Từ đó, dẫn đến việc nôn nóng thu hồi vốn, Thực tế, nhiều dự án tại các tỉnh thành chưa hoàn thiện hạ tầng, thậm chí còn chưa giải phóng mặt bằng, đang có tranh chấp liên quan đến chi phí và diện tích bồi thường, nhưng đã được rao bán trên thị trường.
Tin tức khác: Hàng loạt tập đoàn quốc tế đổ bộ, thị trường BĐS Bến Cát, Tân Uyên trở nên hấp dẫn
Điển hình như, tại dự án Kosy Bắc Giang, chủ đầu tư đã ồ ạt rao bán khi dự án vẫn chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, chưa đủ điều kiện pháp lý, thậm chí còn chưa giải phóng xong mặt bằng khiến khách hàng phải đối mặt với nhiều rủi ro. Vào thời điểm đó Kosy đã bị Sở Xây dựng Bắc Giang phạt 40 triệu đồng. Cũng với cách “bán lúa non” tương tự, tại dự án Khu đô thị Kosy Gia Sàng (phường Gia Sàng, TP Thái Nguyên), chủ đầu tư đã tự ý bán đất nền, nhận tiền đặt cọc, huy động vốn của khách hàng khi chưa đủ điều kiện theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản.
Tại Nghệ An, dự án TNR Stars Diễn Châu (do TNR Holdings Vietnam là đơn vị quản lý và phát triển độc quyền) mới được phép huy động vốn mà chưa được mở bán nhưng đã xuất hiện tình trạng rao bán đất nền, căn hộ tại dự án này.
Gần đây nhất, nhiều khách hàng đặt cọc mua sản phẩm tại dự án Apec Royal Park Huế của Tập đoàn Châu Á Thái Bình Dương (Apec Group) bất ngờ bị trả lại tiền do tập đoàn này đã tự ý thay đổi quy hoạch.
Trả lời trên báo chí, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, khi đầu tư vào thị trường bất động sản các tỉnh, nhà đầu tư cần quan tâm đến tính pháp lý, quy hoạch, thực tế đầu tư, năng lực của chủ đầu tư, họ có thực sự đủ năng lực hay không.
“Các dự án rao bán khi chưa triển khai tức là chủ đầu tư đang thiếu vốn và sai luật”. – ông Đính khẳng định.
(Nguồn Mai Anh/infonet)
* Tất cả bài viết đều thuộc về tuongtaccongdong.com, những sao chép hoăc sử dụng lại yêu cầu ghi trích dẫn nguồn về tuongtaccongdong.com. Xin cảm ơn!