Nếu bạn đã chán đến những nơi mà có nhiều dấu chân của khách du lịch bước tới, bạn đang loay hoay tìm cho mình một chỗ du lịch thích hợp để tận hưởng cảm giác thoải mái, yên bình. Thì vùng đất Tây Nguyên đại ngàn sẽ là nơi lý tưởng dành cho bạn, nhưng trong đó Gia Lai sẽ là điểm đến rất thú vị để cho bạn đắm chìm vào thế giới của núi rừng, của mẹ thiên nhiên.
Gia Lai là một tỉnh của vùng đất đỏ Tây Nguyên, trong đó PleiKu là thành phố lớn nhất của tỉnh, nơi đây cách Thành phố Đà Lạt 360km và cách Thành phố Hồ Chí Minh 650km.
Tin tức khác: Kinh nghiệm du lịch: Quảng Bình – “Việt Nam thu nhỏ” ở dãy đất miền Trung
Đến với Gia Lai du khách sẽ được đắm chìm vào không gian của núi rừng đại ngàn với những địa danh đẹp đến mức làm thổn thức lòng người như: Hồ T’Nưng, thác Phú Cường, thủy điện Yaly,... Ngoài những cảnh đẹp đó, du khách còn được thưởng thức những đặc sản của vùng đất này như: gà nướng cơm lam, bắp bò Gia Lai và nhiều món ngon khác.
Hồ Tơ Nưng biểu tưởng của Gia Lai.
Vậy còn chằn chừ gì nữa mà bạn không lên kế hoạch cho mình để đến với Gia Lai nào, nhưng trước hết bạn hãy cùng tuongtaccongdong.com bỏ túi những kinh nghiệm thần thánh để cho chuyến du lịch Gia Lai của bạn trở nên thuận lợi và thú vị hơn nhé!
Đến Gia Lai vào thời điểm nào là thích hợp?
Khí hậu ở Gia Lai được chia ra làm hai mùa rõ rệt, mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10 và mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Tuy nhiên do đặc thù địa hình ở đây, cũng như các tuyến đường di chuyển chính là đường đồi núi nên việc lượng mưa lớn trong mùa mưa sẽ khiến cho việc đi lại của bạn vô cùng khó khăn cũng như nguy hiểm, nên tốt nhất bạn chỉ nên đi vào khoảng thời gian mùa khô.
Hoa dã quỳ nở rộ khoe sắc vàng.
Vào hai tháng cuối năm là khoảng thời gian thuận lợi cũng như phù hợp nhất để cho bạn đến đây, vào thời gian này Gia Lai “nhuộm” mình trong màu vàng của lúa chín và những khóm hoa dã quỳ nở rực.
Tin tức khác: Kinh nghiệm du lịch: Nghệ An – Về thăm làng sen quê Bác
Đây cũng là khoảng thời gian mà người dân tộc ở đây tổ chức nhiều lễ hội truyền thống của họ như: Lễ mừng lúa mới, lễ ăn cơm mới, liên hoan cồng chiêng Tây Nguyên, lễ hội cúng làng cuối năm hay lễ hội đâm trâu, lễ bỏ mả. Còn nếu bạn là người thích trải nghiệm và muốn đến thăm những đồi cà phê thì tháng 3 sẽ là thời điểm phù hợp nhất, bởi đây là lúc hoa cà phê nở nhiều nhất.
Di chuyển đến Gia Lai:
1. Xe khách:
Đi từ Thành phố Hồ Chí Minh: Bạn có thể mua vé xe ghế ngồi hoặc giường nằm ( có giá khoảng 200.000 – 300.000VNĐ/lượt) tại bến xe Miền Đông. Tuyến Sài Gòn – Gia Lai đối với xe giường nằm sẽ đi mất khoảng 8h và thường xuất phát vào buổi tối. Một số nhà xe cho bạn tham khảo:
Xe Hưng Thành: xuất phát lúc 19h
Xe Gia Phúc: xuất phát lúc 19h30
Ngoài ra có các nhà xe khác như: xe Hồng Hà, xe Mai Linh, xe Thuận Hưng.
2. Máy bay:
Gia Lai cũng có sân bây riêng, nằm cách trung tâm thành phố chỉ khoảng 4km với các chuyến bay tới Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh với tần suất khá thường xuyên. Tuy nhiên, việc di chuyển bằng máy bay đến Gia Lai sẽ hơi đắt hơn khi bay tới các tỉnh Tây Nguyên khác. Sau khi đến sân bay thì bạn có thể chọn các phương tiện khác nhau để di chuyển vào trung tâm thành phố, phổ biến nhất vẫn là taxi (taxi ở đây chạy tính theo km chứ không có dịch vụ trọn gói như các sân bay khác).
Phương tiện đi lại khi tới Gia Lai:
Việc di chuyển khi bạn tới Gia Lai cũng khá thuận lợi, bạn hoàn toàn có thể tìm đến những nơi cho thuê xe máy hoặc xe đạp ở các nhà nghỉ, khách sạn để giúp bạn chủ động hơn trong việc đi lại cũng như tiết kiệm được thời gian. Giá thuê xe ở đây thường sẽ giao động trong khoảng từ 150.000 – 200.000VNĐ/ngày.
Ngoài ra, nếu bạn muốn di chuyển đến các thành phố khác trong khu vực hay muốn đi xa hơn thì bạn có thể chọn đi taxi, thuê ô tô (đối với nhóm đông người) hoặc di chuyển bằng xe bus.
Những địa điểm nhất định phải đến khi du lịch Gia Lai:
Thiên nhiên khá ưu ái cho vùng đất cao nguyên này, vì ở nơi đây có rất nhiều phong cảnh đẹp và hùng vĩ, thừa thưởng những thứ ấy, Gia Lai đã tạo cho mình có nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn mà bạn không thể nào bỏ qua khi đến đây.
1. Biển hồ T’Nưng – “Viên ngọc bích” của Tây Nguyên đại ngàn:
Được ví là “đôi mắt Pleiku”, biển Hồ là một hồ nước ngọt nằm ở phía Tây Bắc của phố núi Pleiku, cách trung tâm thành phố 7 km theo đường quốc lộ 14. Sở dĩ nơi đây được gọi là Biển Hồ vì mỗi khi có gió lớn, những cơn sóng lại nhấp nhô trên mặt hồ như sóng biển.
Mây bao phủ biển hồ, làm cho nơi đây trở nên huyền ảo.
Biển Hồ được xem là một trong những hồ nước ngọt có vẻ đẹp tự nhiên và thơ mộng nhất ở khu vực Tây Nguyên. Vào những ngày trời trong xanh, nhìn từ xa Biển Hồ làm mê hoặc du khách với một màu xanh bạt ngàn của nước và nghe thoảng trong gió là tiếng thông reo vi vu rất vui tai.
2. Chùa Minh Thành – Niềm tự hào của người dân phố núi:
Là ngôi chùa có nét kiến trúc độc đáo nhất ở Tây Nguyên, chùa Minh Thành không chỉ là niềm tự hào của người dân nơi đây, mà nó còn là địa điểm tham quan hấp dẫn của phố núi Pleiku. Đặc biệt, không giống như những ngôi chùa khác mang nét đặc trưng của phật giáo Tiểu thừa, chùa Minh Thành lại chịu ảnh hưởng rất nhiều từ kiến trúc Trung Quốc và Nhật Bản.
Nét đẹp của chùa Minh Thành.
Chùa được xây dựng vào năm 1964 bởi Hòa thượng Thích Giác Đạo và trở thành nơi thờ cúng, dâng hương của phật tử ở vùng đất này. Trải qua những biến động, thăng trầm của lịch sử, chùa Minh Thành vẫn giữ riêng cho mình một màu sắc và trở thành nơi thu hút khách du lịch nhất ở Gia Lai.
3. Biển hồ chè – Màu xanh tươi mát giữa cao nguyên đất đỏ:
Nằm trên phía bờ Bắc của biển Hồ, được gọi là biển Hồ chè bởi vì đó là sự kết hợp giữa hồ nước thủy lợi và những nương chè bạt ngàn.
Màu xanh bao phủ biển hồ che.
Đồi chè này chỉ cách thành phố Pleiku khoảng 13km, đồi chè tọa lạc tại địa phận huyện Chư Pah. Nơi đây cũng chính là đồn điền chè đầu tiên của người Pháp canh tác ở Gia Lai, hình thành từ những năm 20 của thế kỷ trước.
4. Núi lửa Chư Đăng Ya – Nét độc đáo của Gia Lai:
Núi lửa Chư Đăng Ya nằm cách trung tâm Thành phố Pleiku khoảng 30 km về hướng Đông Bắc, thuộc địa phận buôn Ploi lagri, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah, ẩn mình giữa cánh rừng xanh, đại ngàn.
Nét đẹp hùng vĩ của núi lửa Chư Đăng Ya.
Mỗi mùa Chư Đăng Ya sẽ quyến rũ du khách bằng một nét đẹp riêng: vào mùa mưa, Chư Đăng Ya được bao phủ bởi một màu xanh bạt ngàn của những ruộng khoai lang, khoai môn hay cây dong riềng, còn vào mùa khô, hàng vạn đóa hoa dã quỳ bung nở tạo nên màu vàng khắp sườn núi thu hút du khách khắp nơi tìm về.
5. Thác Phú Cường – Bản hùng ca tráng lệ:
Nằm trên địa bàn xã Dun, thuộc huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, cách thị trấn Chư Sê khoảng 3 km và cách thành phố Pleiku khoảng 45 km về hướng Đông Nam thác Phú Cường thu hút đông đảo khách du lịch nhờ vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ, kỳ vĩ của mình.
Thác Phú Cường hùng vĩ.
Đến với nơi này vào mùa mưa, bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng của dòng thác như dải lụa mềm vắt ngang núi rừng Tây Nguyên đại ngàn hùng vĩ, còn vào mùa khô bạn sẽ được cưỡi voi khám phá núi rừng hay tắm tiên trên dòng suối La Peet.
Ẩm thực du lịch Gia Lai:
Không chỉ nổi tiếng với nương rẫy, núi rừng đại ngàn trải dài hay những thác nước trong veo, hùng vĩ, Gia Lai còn thu hút du khách bởi nét đa dạng trong văn hóa ẩm thực. Dưới đây là 5 đặc sản mà bạn không thể bỏ qua khi đến với phố núi.
1. Phở khô Gia Lai:
Phở khô Gia Lai.
Là món ăn thân thuộc mỗi ngày của người dân Pleiku. Đặc trưng của món ăn này là sợi phở khô mảnh và dai, tạo cảm giác sần sật trong khoang miệng mỗi khi cắn từng sợi phở. Nước dùng được hầm từ thịt gà, bò và xương heo có vị ngọt thanh, ăn kèm với thịt băm, rau sống.
2. Bún cua thối:
Bún cua thối, hay còn gọi là bún mắm cua, là đặc sản nổi tiếng ở Gia Lai. Tuy nhiên, hương vị đặc trưng của món ăn này sẽ là "thử thách" với không ít người, nhất là những ai lần đầu thưởng thức vì... "quá kinh khủng".
Bún cua thối đặc sản Gia Lai.
Người ta giã nhuyễn cua đồng, lọc lấy nước rồi ủ nước cua tươi khoảng một ngày đêm để lên men, chuyển màu đen, dậy mùi nồng thì đem chế biến thành nước dùng. Tô bún cua thối còn có thêm măng le, da heo chiên giòn, trứng, chả, bánh phồng tôm...
3. Gà nướng cơm lam:
Gà nướng cơm lam.
Thịt gà ở đây có vị thơm ngon rất khác bởi cách nuôi gà công phu, tất cả đều được thả vườn, được ăn côn trùng, cỏ non và lúa rẫy. Để gà nướng có hương vị đặc trưng, nước sả là thành phần không thể thiếu. Gà sau khi nướng trên lửa than được ăn cùng với muối ớt, cơm lam, rượu cần.
4. Lẩu lá rừng:
Là một trong những vùng đất có những cánh rừng nguyên sinh xanh mướt rộng bao la, thế nên ở đây không khó gì khi nói về các loại rau rừng. Đó không chỉ là hương vị của từng chiếc lá mà nó còn là hương vị đặc trưng mà thiên nhiên đã ban tặng cho quê hương, xứ sở này.
Lẩu lá rừng.
Lá rừng phải được hái và chọn lựa kĩ lưỡng, phải là những lá tươi ngon không có độc tố, không phản ứng gây độc lẫn nhau. Không phải ai cũng có thể có kinh nghiệm lấy lá rừng mà đó là cả một nghệ thuật của người xưa để lại. Nồi nước lẩu béo ngọt của thịt hầm, ăn rau rừng kết hợp nem chua rán, thịt nướng… đúng là ngon hết xẩy.
5. Bò nướng ống:
Món ăn này là sự pha trộn giữa các loại rau rừng và thịt bò thái lát mỏng. Thịt bò được làm chín bằng ống tre nên có mùi tre cháy xém rất đặc trưng.
Bò nướng ống là món ăn độc đáo ở Gia Lai.
Dù nướng bằng than lửa nhưng món ăn lại không có mùi khói ám vào, thay vào đó là vị ngọt của thịt bò cùng hương thơm quyến rủ của các loại rau rừng trong món ăn.
Phúc Hậu
* Tất cả bài viết đều thuộc về tuongtaccongdong.com, những sao chép hoăc sử dụng lại yêu cầu ghi trích dẫn nguồn về tuongtaccongdong.com. Xin cảm ơn!