Tỉnh: Ninh Bình
Quận/Huyện: Huyện Gia Viễn
Cộng đồng: Review
Loại hình: Du Lịch Tâm Linh
Phong cách du lịch: Lễ Hội, Chùa Chiền
Khu tâm linh núi chùa Bái Đính nằm trong Quần thể Danh thắng Tràng An, cách thành phố Ninh Bình khoảng 15 km. Chùa Bái Đính có bề dày lịch sử hơn 1000 năm tuổi, gắn với nhiều triều đại phong kiến, từ nhà Đinh, nhà Tiền Lê đến nhà Lý. Chùa nằm trên sườn núi, giữa những thung lũng mênh mông hồ và núi đá, ở cửa ngõ phía tây vào cố đô Hoa Lư. Những dãy núi đá vôi đồ sộ, nguy nga bao bọc cảnh chùa tạo thành một công trình trang nghiêm, hùng vỹ.
Quần thể chùa Bái Đính được tu sửa và xây dựng mở rộng từ năm 2003, được ghi nhận là ngôi chùa lớn nhất Việt Nam với diện tích 539 ha, bao gồm 27 ha khu chùa cổ, 80ha khu chùa mới. Kiến trúc chùa mới hoành tráng, đồ sộ nhưng mang đậm bản sắc truyền thống, do đó mà nơi đây sớm trở thành một điểm đến nổi tiếng ngay từ khi chùa còn đang xây dựng. Khu chùa Bái Đính mới được các báo giới tôn vinh là một quần thể chùa lớn nhất Đông Nam Á. Năm 2010, chùa Bái Đính là nơi tổ chức Đại lễ cung nghinh xá lợi Phật đầu tiên từ Ấn Độ về Việt Nam. Với quy mô hiện tại, hiếm có một ngôi chùa nào khác ở Việt Nam có thể sánh được với Chùa Bái Đính.
Nói về kiến trúc thì văn hoá xây dựng thời Lý được sử dụng chủ đạo trong thiết kế xây dựng chùa Bái Đính. Tất cả các bậc thềm đều trang trí hoa văn rồng đá, mái chùa chính điện có kích thước đồ sộ, nguy nga nhất, gồm 3 tầng 12 mái cong hình đầu đao, lợp mái ngói hình mũi hài truyền thống. Nguyên liệu gỗ được sử dụng là chủ yếu, cả quần thể chùa mang màu nâu đậm, toát lên vẻ uy nghiêm, vững chãi.
Đặc biệt, quần thể chùa mới cực kỳ rộng với rất nhiều pho tượng và công trình đã được xác lập kỉ lục như: Tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, Tượng Phật Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, Bảo tháp cao nhất Đông Nam Á, Chùa có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam, Chuông đồng lớn nhất Việt Nam, Khu chùa có giếng ngọc lớn nhất Việt Nam. Xung quanh chùa là hành lang tượng la hán chạy dài bao lấy toàn bộ khuôn viên. Trong chùa còn có nhiều khu vườn trồng cây xanh, nhiều nhất là cây bồ đề có nguồn gốc từ Ấn Độ. Chính không gian xanh ấy đã làm cho chùa Bái Đính vô cùng thanh tịnh thoáng mát, lý tưởng cho tăng ni phật tử hay khách tới thăm quan.
Nhìn từ xa, khu chùa Bái Đính như đang tựa mình bên sườn đồi xanh thẳm, về đêm chùa cũng không kém phần lung linh nhờ hàng triệu bóng đèn thắp sáng khắp các mái hiên và khuôn viên. Cảnh sắc lung linh huyền ảo cùng không gian thiêng rộng lớn đã khiến cho Chùa Bái Đính trở thành một bức tranh tâm linh tuyệt mĩ và cổ kính.
Lễ hội gồm 2 phần chính: phần Lễ và phần Hội. Phần Lễ bao gồm các nghi thức thắp hương thờ Phật, tưởng nhớ công đức Thánh Nguyễn Minh Không, lễ tế thần Cao Sơn và chầu thánh Mẫu Thượng Ngàn. Còn ở phần Hội thì bạn có thể thỏa sức tham gia các trò chơi dân gian cũng như thưởng thức nghệ thuật hát Xẩm, hát ca trù.
Ninh Bình chỉ cách Hà Nội khoảng 100km thế nên xe khách là phương tiện di chuyển được lựa chọn nhiều nhất. Bạn có thể chọn bất cứ thời gian nào bởi vì những chuyến xe Bắc Nam đều chạy liên tục.Giá vé khoảng 60.000 - 100.000vnđ. Sau đó bạn có thể bắt taxi hoặc xe ôm vào Chùa, bến xe cách chùa khoảng 20km.
Từ Hà Nội có các chuyến tàu SE1, tàu SE3, tàu SE5, tàu SE7 và tàu SE19 Ninh Bình. Như vậy là có 5 chuyến tàu trong ngày để bạn lựa chọn các khung giờ. Thời gian di chuyển khoảng 2 - 3 tiếng.
Nếu xuất phát từ Sài Gòn, các chuyến tàu đều đến Ninh Bình hầu hết vào giờ khá muộn, chuyến tàu duy nhất phù hợp mà các bạn nên đi là SE8 xuất phát từ ga Sài Gòn lúc 6h00 và đến Ninh Bình lúc 13h15 ngày hôm sau.
Bến xe và ga tàu Ninh Bình thì ngay cạnh nhau luôn. Bạn sẽ dễ dàng tìm được xe ôm hoặc taxi để di chuyển tiếp vào chùa.
Nếu bạn đi theo nhóm đông người và có nhiều thế hệ thì đi thuê ô tô hoặc tự lái ô tô gia đình sẽ phù hợp và tiết kiệm chi phí hơn nhiều. Lái xe sẽ đưa bạn tới tất cả các điểm tham quan cũng như đi thưởng thức đặc sản tại các nhà hàng luôn. Các cơ quan đoàn thể hay trường học thường lựa chọn phương án này khi đi chùa đầu năm.
Di chuyển từ Hà Nội đến Ninh Bình mất khoảng 2-3h đi xe máy thôi, mà có thể tự do dừng lại khi mình muốn cũng như tiết kiệm được chi phí di chuyển giữa các điểm thăm quan tại Ninh Bình nữa đó vì các phương tiện công cộng khác thì đều không tới thẳng chùa Bái Đính được.
Để tham quan hết chùa và thưởng thức từng chút một không gian thì có lẽ một ngày mới đủ. Khi mỏi chân bạn có thể nghỉ lại các hành lang dài hun hút có cả trăm vị La Hán ngồi canh giữ, không gian vừa thoáng mát vừa thanh tịnh.
Để hỗ trợ khách thăm quan thì hệ thống xe điện đã được đưa vào sử dụng tại chùa Bái Đính, tuy nhiên xe chỉ chạy ở trục đường chính từ cổng Chùa tới điện chính mà thôi, còn lại thì bạn hãy tự tản bộ để vãn cảnh nhé.
Vì Chùa Bái Đính là điểm du lịch tâm linh nên các bạn cần chú ý trang phục lịch sự, áo có tay và quần/váy qua đầu gối nhé.
Chùa Bái Đính rất rất rộng nên nếu bạn có nhiều thời gian, hãy cố gắng tản bộ để chiêm ngưỡng. Khi quay về thì có thể sử dụng xe điện với giá 30.000vnđ/người/lượt và có thể mua vé 2 lượt từ chân núi luôn để tránh xếp hàng lâu.
Dù có di chuyển cả 2 lượt bằng xe điện thì quãng đường bạn phải di chuyển bộ vẫn là khá xa nên hãy đi giày bệt và mặc trang phục phù hợp vận động nhiều.
Bảo Tháp có mở cửa cho khách lên thăm quan tầng cao nhất. Bạn sẽ được đi thang máy tới tầng áp mái, giá vé: 50.000vnđ/người
Mũ và ô là 2 thứ cần thiết vì không phải đoạn nào cũng có hàng lang có mái che. Bạn có thể mang theo cả nước và đồ ăn nữa để ăn trưa trong khuôn viên chùa.
* Tất cả bài viết review Du Lịch (Khách Sạn) đều thuộc về Tương Tác Cộng Đồng, những sao chép hoăc sử dụng lại yêu cầu ghi trích dẫn nguồn về tuongtaccongdong.com. Xin cảm ơn!
Tutacodo - Kết nối sẻ chia vẻ đẹp thế giới kỳ quan