Cách trung tâm thành phố Yên Bái gần 200km, Mù Cang Chải là huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái. Núi non hùng vĩ cùng những phong tục, tập quán độc đáo và sự mộc mạc, chất phác, mến khách của đồng bào dân tộc Mông đã tạo điều kiện để huyện phát triển du lịch cộng đồng.
Tin tức khác: Một số cơ sở lưu trú du lịch ở 25 tỉnh, thành sẽ được chọn làm điểm cách ly corona có trả phí
Đây là hướng phát triển kinh tế mới cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Địa bàn huyện Mù Cang Chải hiện có 91 cơ sở lưu trú, trong đó có 26 nhà nghỉ và 65 hộ làm du lịch cộng đồng, với tổng số hơn 900 buồng, giường phục vụ cho trên 2.200 lượt khách/đêm. Thời gian cao điểm còn có trên 40 hộ làm dịch vụ cho thuê theo thời vụ, phục vụ được trên 2.000 lượt khách/đêm.
Bà Lương Thị Xuyến, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết, việc phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa được huyện quan tâm đầu tư, từng bước triển khai có hiệu quả. Huyện đã khuyến khích, hỗ trợ người dân xây dựng, phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Năm 2014, huyện hỗ trợ các gia đình ở bản Thái Kim Nọi (thị trấn) và một số hộ người Mông ở xã La Pán Tẩn vay 20 triệu đồng không lãi suất trong 2 năm để sửa nhà và xây dựng thêm các công trình vệ sinh. Nhờ đó, thu nhập của các hộ dân hàng năm đều tăng. Nhận thấy có hiệu quả, nhiều gia đình ở các xã đã chủ động tự triển khai mô hình.
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải vào mùa lúa chín.
Ngoài việc hỗ trợ vốn, huyện Mù Cang Chải còn mở thêm các lớp ngoại ngữ cho người dân. Huyện đã mở được ba lớp tiếng Anh. Sở Ngoại vụ phối hợp với huyện mở thêm một lớp tiếp Pháp. Cùng với đó, huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân kỹ năng giao tiếp khi đón khách và biết cách giới thiệu về Mù Cang Chải.
Du lịch cộng đồng ở huyện Mù Cang Chải đang phát triển mạnh với các hình thức đa dạng như du lịch trải nghiệm, du lịch khám phá, du lịch nghỉ dưỡng... Xã La Pán Tẩn là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách của huyện Mù Cang Chải với những thửa ruộng bậc thang trải dài uốn quanh đồi mâm xôi hay vẻ đẹp thuần khiết của loài hoa tớ dầy (đào rừng), hoa cải… Đây là thế mạnh để xã La Pán Tẩn phát triển các loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng, giúp du khách trải nghiệm, khám phá những phong tục tập quán, nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Mông nơi đây.
Ông Hảng Sáy Chông, Chủ tịch UBND xã La Pán Tẩn cho biết, La Pán Tẩn là xã đặc biệt khó khăn với 99% đồng bào Mông sinh sống. Trước năm 2015, xã chưa có mô hình du lịch cộng đồng. Sau đó, khách du lịch đến với xã ngày một đông. Để đáp ứng nhu cầu ăn, ở, trải nghiệm cho du khách, đặc biệt đối với du khách nước ngoài, xã đã đưa một số hộ đi học hỏi kinh nghiệm làm du lịch ở thị xã Sa Pa (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La). Năm 2016, xã bắt đầu triển khai xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Sau một thời gian ngắn, loại hình du lịch này từng bước phát triển và mang lại hiệu quả.
So với vùng thấp, du lịch cộng đồng ở xã La Pán Tẩn cho thu nhập chưa cao nhưng đã giúp đồng bào vùng cao xóa đói giảm nghèo. Trước đây, khi chưa làm du lịch, người dân trong xã không biết bán hàng, chỉ ở nhà và lên nương cấy lúa trồng ngô. Giờ đây, gắn với phát triển du lịch, các bà, các mẹ còn tranh thủ thời gian rảnh rỗi để may váy, thêu thổ cẩm cho du khách thuê và bán, tạo thêm thu nhập.
Bản La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn là một trong những bản được chọn làm điểm để xây dựng du lịch cộng đồng. Người dân xác định mỗi du khách ghé qua bản là một khách hàng tiềm năng. Bởi vậy, mọi người đến đây đều được người dân chào đón bằng nụ cười thân thiện và mến khách. Chị Vàng Thị Lý, bản La Pán Tẩn chia sẻ, vợ chồng chị bắt đầu làm du lịch cộng đồng vào cuối năm 2017, du khách chủ yếu là người nước ngoài. Để giao tiếp được với du khách, chị đã lên thị xã Sa Pa làm nhân viên chạy bàn để học tiếng Anh. Trong 5 tháng, chị có thể giao tiếp được với người nước ngoài. Là người Mông, ngay từ lúc làm du lịch cộng đồng, vợ chồng chị đã xác định đưa những giá trị văn hóa của người Mông như làm nương, đám cưới, lễ hội, dệt vải, nhuộm chàm... Trong phòng ngủ của du khách, chị trang trí chăn ga, gối, đệm bằng thổ cẩm của người Mông để du khách cảm nhận rõ nét văn hóa của đồng bào nơi đây.
Sau hơn 2 năm làm du lịch cộng đồng, trung bình mỗi tháng, tổng nguồn thu từ du lịch của gia đình chị khoảng 30-40 triệu đồng/tháng. Trừ chi phí, vợ chồng chị Lý lãi khoảng 15-20 triệu; vào mùa du lịch cao điểm có tháng thu về gần 90 triệu đồng, trừ chi phí cũng lãi được một nửa. Hiện ngày nào gia đình chị cũng có đoàn khách, chủ yếu là khách nước ngoài. Tháng 2 vừa qua, vợ chồng chị đã ra mắt Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Du lịch Hello Mù Cang Chải.
Năm 2019, du lịch huyện Mù Cang Chải có sự tăng trưởng cả số lượng khách tham quan và doanh thu từ du lịch. Tổng lượng khách du lịch đến địa bàn huyện đạt 250.000 lượt, tăng 160.000 lượt so với năm 2018, trong đó khách quốc tế là 37.200 lượt. Doanh thu từ du lịch đạt 93 tỷ đồng, tăng 48 tỷ đồng so với năm 2018.
Tin tức khác: Tour nội địa 'lên ngôi'
Năm 2020, huyện Mù Cang Chải phấn đấu đón và phục vụ 160.000 lượt khách, trong đó có 39.000 lượt khách quốc tế với doanh thu ước đạt 95 tỷ đồng. Nhằm phát triển du lịch, đặc biệt du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, huyện Mù Cang Chải tập trung xây dựng các loại hình du lịch tại nhiều địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người dân phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại các xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Nậm Khắt, Khau Phạ…
Cùng với đó, huyện tích cực đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến về du lịch, nâng cao chất lượng, hình ảnh du lịch Mù Cang Chải để nhiều người biết và trực tiếp đến tham quan, trải nghiệm. Huyện chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các sự kiện du lịch trong năm, như: Mùa nước đổ; Trải nghiệm mùa hè cùng em; Tết độc lập; Lễ hội khám phá danh thắng quốc gia ruộng bậc thang...
(Nguồn Việt Dũng - Đinh Thùy/TTXVN)
* Tất cả bài viết đều thuộc về tuongtaccongdong.com, những sao chép hoăc sử dụng lại yêu cầu ghi trích dẫn nguồn về tuongtaccongdong.com. Xin cảm ơn!