Khi nhắc đến du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long, nhiều du khách sẽ nghĩ đến những cánh đồng lúa, vườn trái cây và những thứ đặc trưng của miền sông nước. Nhưng ít ai biết rằng ngoài những thứ đó, thì nơi đây còn có vùng đất mang tên An Giang, đến với An Giang bạn sẽ được thấy “núi mọc” giữa đồng bằng.
An Giang được ví như một bức tranh thu nhỏ về vẻ đẹp của miền Tây Nam Bộ, ở đây vừa có sông, có suối, có đồng lúa, có núi non hùng vĩ và còn có cả nguồn ẩm thực miền Tây phong phú, người dân thì vô cùng thân thiện mến khách.
Tin tức khác: Tiền bắn pháo hoa tại “Tuần Văn hóa - Du lịch Mũi Cà Mau 2019” lấy từ đâu?
An Giang mê hoặc khách du lịch với những cánh đồng cò bay thẳng cánh, những khu rừng đa dạng phong phú. An Giang có khá nhiều địa danh để du khách đến tham quan du lịch. Để hiểu rõ hơn về vùng đất này, bạn hãy đọc thật kỹ những kinh nghiệm quý báu dưới đây, để giúp bạn có một chuyến hành trình về vùng “bảy núi” thuận lợi và vui vẻ nhất nào.
Đến với An Giang vào thời điểm nào là thích hợp?
An Giang thuộc vùng có khí hậu mát mẻ và rất dễ chịu, du khách có thể đến đây du lịch vào bất cứ mùa nào trong năm. Tuy nhiên, nếu du khách yêu thích và muốn khám phá các lễ hội lớn tại An Giang, thì nên đến đây vào tháng 4 hoặc tháng 8 âm lịch. Những lễ hội thường diễn ra trong các tháng này gồm có các lễ hội: lễ hội bà Chúa Xứ núi Sam, lễ hội đua bò Bảy Núi, lễ hội Chol ChNam Thmay của người Khmer Nam Bộ và rất nhiều lễ hội độc đáo khác.
Thành phố Long Xuyên thủ phủ của tỉnh An Giang nhìn từ trên cao.
Nếu bạn là người yêu sự yên bình và thích khám phá thiên nhiên, thì đến An Giang vào tháng 8 đến tháng 10 âm lịch là lựa chọn dành cho bạn, vào những tháng này là mùa nước nổi ở An Giang và khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Bạn sẽ được tha hồ “bung lụa” vào thời điểm này khi đến An Giang du lịch nhé!
Di chuyển đến An Giang:
Giao thông đến An Giang khá thuận lợi nên bạn có thể di chuyển đến đây bằng nhiều phương tiện khác nhau nhé. Còn đối với những khách ở miền Bắc, bạn có thể đặt vé máy bay đến Sài Gòn và từ đây di chuyển bằng xe khách hoặc xe máy để đến An Giang. Nếu đi xe khách bạn có thể mua vé ở các bến xe tại Thành phố Hồ Chí Minh đến Châu Đốc hoặc Thành phố Long Xuyên với giá vé 150.000 - 300.000 đồng.
Đối với những bạn có ý định đi bằng xe máy, bạn có thể di chuyển theo 2 cung đường sau nhé:
Từ Sài Gòn đi theo Quốc lộ 1A hướng về Tiền Giang, qua cầu Mỹ Thuận theo Quốc Lộ 80 để đi về Sa Đéc, tiếp tục vượt qua cầu Vàm Cống đến Thành phố Long Xuyên.
Vẻ đẹp hùng vũ của cảnh vật An Giang.
Cung đường thứ hai để bạn khám phá vùng ven biên giới Việt - Cam: bạn đi theo Quốc Lộ 62 hướng cửa khẩu Bình Hiệp, tiếp tục đi theo đường sát biên giới hướng Hồng Ngự – Tân Châu là sẽ đến được Châu Đốc.
Phương tiện đi lại ở An Giang:
Xe máy là phương tiện thuận lợi nhất để bạn tham quan vùng “bảy núi” này nhé, xe máy của bạn mang theo thì càng tốt, vì ở đây ít có dịch vụ cho thuê xe. Bên cạnh đó bạn cũng có thể đi xe bus trong tỉnh nhưng phương tiện này sẽ làm cho bạn bị động về thời gian.
Những điểm du lịch không thể bỏ qua khi đến An Giang:
1. Rừng tràm Trà Sư:
Rừng tràm Trà Sư nằm cách Thành phố Châu Đốc 20 km về phía Nam, có diện tích khoảng 850 ha. Rừng tràm Trà Sư là một khu rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng tây sông Hậu với phần lớn cây ở đây là cây tràm trên 10 năm tuổi cùng nhiều loài động thực vật phong phú đa dạng và quý hiếm khác nhau.
Vẻ đẹp nên thơ của rừng tràm Trà Sư khi mùa nước nổi đổ về.
Chắc hẳn rừng tràm Trà Sư sẽ làm bạn cuốn hút trong màu xanh ngút ngàn của những cây tràm cùng mặt nước phủ kín bởi những cây bèo. Đến đây du lịch bạn sẽ được ngồi trên chiếc xuồng ba lá, xuồng sẽ đưa bạn xuyên qua những khu rừng, bạn sẽ thấy mình được hòa vào thiên nhiên với những trải nghiệm mới, được mở rộng tầm mắt với những vẻ đẹp rất mới mẻ, độc đáo của thiên nhiên nơi đây.
2. Vùng thất sơn tâm linh, huyền bí:
Thất Sơn là tên gọi chung của vùng núi phía Tây Nam Việt Nam, gần biên giới với Campuchia, vùng núi này thuộc địa phận hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn của tỉnh An Giang.
Vùng đồng bằng này có đến gần 40 ngọn núi nhưng chỉ có bảy ngọn núi nổi bật tạo nên tên gọi Thất Sơn:
- Ngọa Long Sơn (núi Dài).
- Ngũ Hồ Sơn (núi Dài Năm Giếng).
- Phụng Hoàng Sơn (núi Cô Tô).
- Thủy Đài Sơn (núi Nước).
- Anh Vũ Sơn (núi Két)
- Liên Hoa Sơn (núi Tượng)
- Thiên Cấm Sơn (núi Cấm, cao nhất trong Thất Sơn)
Trong bảy ngọn núi này thì có Thiên Cấm Sơn (núi Cấm) và Phụng Hoàng Sơn (núi Cô Tô) là thu hút nhiều du khách đến tham quan du lịch.
Núi Cấm:
Khu du lịch núi Cấm là một trong những địa điểm mà bạn không nên bỏ qua khi đến với An Giang để du lịch. Tại đây sở hữu quần thể thắng cảnh hồ Thủy Liêm và các di tích Chùa Phật Lớn, chùa Vạn Linh và tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi lớn nhất Châu Á là nơi để khách thập phương đến cầubình an.
Cáp treo lên đrinh núi Cấm.
Nơi đây còn được ví như là “Đà Lạt của miền Tây”, để tận hưởng cho hết cái không khí trong lành và mát mẻ của thiên nhiên tuyệt mỹ ở núi Cấm thì bạn nên đi cáp treo với giá 180.000 đồng/khứ hồi.
Núi Cô Tô:
Núi Cô Tô hay còn được gọi bằng cái tên mỹ mều là Phụng Hoàng Sơn. Núi Cô Tô có chiều cao 614m, dài 5.800m và rộng 3.700m tọa lạc tại vùng đất Tri Tôn - An Giang xinh đẹp nơi có rất nhiều cảnh đẹp trù phú mà tạo hóa đã ban tặng. Núi Cô Tô được thiên nhiên ưu ái cho sở hữu nhiều hang động, tảng đá đẹp mắt làm ngây ngất lòng du khách đến tham quan.
Phụng Hoàng Sơn hay còn được gọi là núi Tô hoặc Cô Tô.
Những ngôi nhà ở đây được xây dựng trên các vách đá dựng đứng, từng rặng cây đung đưa trong gió như cơn sóng biển đang gợn từng cơn, đem lại khí hậu mát mẻ quanh năm cho ngọn núi này. Cùng với sự trong lành của khí hậu là một lợi thế khiến nhiều người rất thích thú khi đến núi Cô Tô tham quan.
3. Khu di chỉ Óc Eo:
Khu di chỉ Óc Eo thuộc vùng núi Sập - Ba Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Di tích khảo cổ này rất rộng lớn và nổi tiếng bậc nhất ở An Giang thu hút nhiều nhà sưu tầm, khảo cổ đến nghiên cứu và rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu các di chỉ, vết tích về một thời kỳ vàng son, phát triển rực rỡ của vùng đất An Giang và Đồng bằng sông Cửu Long ngày xưa.
Nhà trưng bày văn hóa Óc Eo.
Khu di chỉ có diện tích 4.500 ha chứa những vật chất sinh động như tái hiện một cuộc sống phồn thịnh, phát triển cùng nền văn hóa đặc sắc của người dân nơi đây.
4. Khu du lịch Núi Sập:
Núi Sập nằm tại huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, cách Thành phố Long Xuyên 26km. Trước kia, núi Sập nằm bên những đồng lúa xanh ngút ngàn ở Thoại Sơn nhưng theo thời gian, ngọn núi bị biến dạng thành những hình khối muôn màu, muôn vẻ huyền bí.
Khu du lịch núi Sập - Thoại Sơn.
Du khách đến với nơi đây có thể chèo thuyền để được thưởng ngoạn cảnh đẹp hùng vĩ của núi cao, hang sâu, hồ nước xanh thẳm với những đàn cá bơi lượn, phong cảnh vô cùng nên thơ và hữu tình.
5. Cánh đồng Tà Pạ:
Ở An Giang cũng như ở các tỉnh miền Tây có một thông lệ khá đặc biệt về việc trồng lúa nước, đây cũng được xem là một nét văn hóa đặc sắc của nền nông nghiệp lúa nước có từ lâu đời và đó chính là tập quán “làm ruộng vần công”.
Những cây Thốt Nốt trải dài trên cánh đồng Tà Pạ.
Tập quán này có nghĩa là mỗi khi ra đồng cày cấy, mọi người thường tập hợp lại với nhau làm hết thửa ruộng này đến thửa ruộng khác tạo nên một vẻ đẹp lạ mắt cho các cánh đồng ở Tà Pạ - Tri Tôn.
Tin tức khác: Kinh nghiệm du lịch: Quy Nhơn – “xứ Nẫu” thân yêu
Cánh đồng Tà Pạ nằm ở huyện Tri Tôn vào mùa nước nổi nơi đây như một tấm thảm rộng lớn với những đồng lúa xanh và những hàng thốt nốt tô điểm thêm vẻ đẹp. Vào mùa lúa chín sắc vàng phủ kín dập dềnh như những lớp sóng biển.
6. Làng dệt thổ cẩm Châu Giang:
Những tấm thổ cẩm hay những bộ trang phục bằng thổ cẩm được làm ở Châu Giang là biểu trưng của văn hóa Chăm ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nó được làm một cách rất tỉ mỉ bởi đôi bàn tay khéo léo của những cô gái Chăm duyên dáng nơi đây.
Làng dệt thổ cẩm nổi tiếng ở Châu Giang.
Đến thăm làng dệt thổ cẩm ở Châu Giang, bạn vừa có cơ hội mua những tấm thổ cẩm chất lượng, độc đáo về làm quà và vừa được ngắm nhìn quá trình làm ra một tấm thổ cẩm công phu, tỉ mỉ như thế nào của các cô gái Chăm thì còn gì bằng đúng không nào!
7. Chợ nổi ở Long Xuyên:
Chợ nổi Long Xuyên.
Nằm trên sông Hậu thuộc địa phận phường Mỹ Phước, Thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Nơi đây tập trung hàng trăm ghe xuồng neo đậu san sát nhau trên sông, sinh hoạt, và buôn bán quanh năm suốt tháng. Hàng hóa chủ yếu ở đây là các loại hoa màu của miền Tây như: rau, dưa, cà, cải, bí, khoai… và các món ăn vặt nổi tiếng của vùng đất An Giang như bún cá, bánh tầm, bánh da lợn…
Lễ hội đua bò ở vùng bảy núi.
Phần 1 xin được phép tạm dừng tại đây nhé! Nếu bạn là một “phượt thủ” chính hiệu và đam mê du lịch An Giang thì đón chờ phần 2 với nhiều sự trải nghiệm thú vị và rất tuyệt vời nào.
Phúc Hậu
* Tất cả bài viết đều thuộc về tuongtaccongdong.com, những sao chép hoăc sử dụng lại yêu cầu ghi trích dẫn nguồn về tuongtaccongdong.com. Xin cảm ơn!