Các chuyên gia cho rằng, sự hồi phục của du lịch Việt Nam phải phụ thuộc vào sự khống chế thành công của dịch bệnh.
Tin tức khác: Khánh Hòa chưa cho tắm biển đến hết tháng 4
Du lịch Việt Nam và những lần đối mặt với khủng hoảng trong quá khứ:
Dịch bệnh đã giáng cú đòn mạnh khiến cho mọi hoạt động của ngành du lịch “tê liệt”. Từ vị trí tăng trưởng lượng khách kỷ lục 2 con số, cao thứ 2 trong khu vực (chỉ sau Myanmar), du lịch Việt Nam đã suy giảm mạnh trong những tháng đầu năm 2020.
Trong đó, chỉ tính riêng tháng 3, lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm 68% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này được dự báo sẽ tiếp tục đà suy giảm và chạm đáy trong vài tháng tới, khi các nước “siết chặt” các biện pháp đề phòng chống sự lây lan của dịch bệnh.
Từ vị trí tăng trưởng lượng khách kỷ lục 2 con số, cao thứ 2 trong khu vực du lịch Việt Nam đã suy giảm mạnh trong những tháng đầu năm 2020.
Các chuyên gia cho rằng, sự hồi phục của du lịch Việt Nam phải phụ thuộc vào sự khống chế thành công của dịch bệnh.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên ngành du lịch đối mặt với khó khăn, khủng hoảng. Theo ông Lê Tuấn Anh Giám đốc Trung tâm thông tin Du lịch (Tổng Cục Du lịch), trong 20 năm qua, không ít lần du lịch Việt Nam gặp biến động, thậm chí tăng trưởng âm.
Tuy nhiên, sau đó ngành du lịch đã nhanh chóng vượt qua khó khăn và hồi phục ấn tượng.
Cụ thể, giai đoạn khủng hoảng tài chính châu Á diễn ra từ tháng 7/1997, đã tác động mạnh mẽ đến khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á trong cả năm 1997 và 1998.
Trong 20 năm qua, không ít lần du lịch Việt Nam gặp biến động, thậm chí tăng trưởng âm.
Tại Việt Nam, lượng khách du lịch quốc tế bắt đầu tăng trưởng chậm lại trong năm 1997 và suy giảm mạnh (giảm 11%) trong năm 1998. Tuy nhiên, bước sang năm 1999 du lịch đã hồi phục mạnh mẽ tăng 17%, và tiếp tục tăng 20% vào năm 2000.
Đến năm 2003, ngành du lịch Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng do ảnh hưởng tiêu cực của dịch SARS hay còn gọi là Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng.
Được phát hiện tại Trung Quốc từ tháng 11/2020, sau đó tháng 2/2003 Việt Nam ghi nhận những trường hợp mắc bệnh đầu tiên. Đến tháng 4/2003 (tức là sau 45 ngày được phát hiện) dịch bệnh đã được Việt Nam khống chế và đến tháng 7/2003, dịch bệnh được khống chế trên toàn cầu.
Dịch bệnh năm 2003 khiến tốc độ tăng trưởng lượng khách của du lịch Việt Nam năm 2003 giảm 8%. Tuy nhiên, bước sang năm 2004, chúng ta đã hồi phục mạnh mẽ tăng trưởng 21%.
Gần đây nhất, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009 được coi là giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng nhất từ sau đại suy thoái những năm 30 của thế kỷ 20.
Phố Tây Bùi Viện đìu hiu trong đại dịch.
Khủng hoảng khiến du lịch Việt Nam tăng trưởng chậm năm 2008 (chỉ tăng 2%) và sụt giảm mạnh, tăng trưởng âm năm 2009 (giảm 11%). Tuy nhiên, năm 2010, du lịch Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ, tăng 34%.
Ngoài ra, du lịch Việt Nam còn có thời kỳ suy giảm tốc độ tăng trưởng năm 2014 (tăng nhẹ 4%) và 2015 (tăng 1%).
Du lịch Việt Nam mất bao lâu để phục hồi "hậu" đại dịch?
Theo ông Lê Tuấn Anh hiện nay, du lịch Việt Nam lại đang bắt đầu vào một cuộc khủng hoảng mới do dịch bệnh với diễn biến phức tạp, khó lường hơn trên phạm vi toàn cầu.
Các dự báo hiện nay đều cho rằng du lịch thế giới nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng cần nhiều thời gian hơn để phục hồi sau dịch bệnh so với khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, dịch SARS 2003 và khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009.
“Thời điểm để có thể phục hồi như năm 2019 ước tính sang năm 2022, thậm chí có thể lâu hơn”, ông Lê Tuấn Anh nói.
Trong đó, nếu dịch bệnh kết thúc vào cuối tháng 6 năm 2020, khách quốc tế sẽ giảm khoảng 70%. Lượng khách sẽ hồi phục dần vào cuối năm nhưng còn thấp và ngành du lịch chưa thể tăng trưởng dương so với cùng kỳ 2019.
Nếu dịch bệnh kết thúc vào tháng 9/2020, lượng khách chỉ có thể bắt đầu hồi phục rất hạn chế từ cuối năm với các hoạt động đi lại du lịch công vụ, giao thương. Với kịch bản này, đến hết năm 2020, khách quốc tế sẽ giảm khoảng gần 75%, chỉ còn khoảng 4,6 triệu lượt.
Ngoài ra, nếu tình hình diễn biến xấu hơn, đến hết tháng 12/2020 dịch bệnh vẫn chưa kết thúc, từ tháng 4 đến tháng 12 sẽ gần như không có khách du lịch quốc tế đến, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam năm 2020 giảm khoảng 80% so với năm 2019, dừng ở tổng số 3 tháng đầu năm với 3,7 triệu lượt.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tin tưởng và bày tỏ sự lạc quan về sự hồi phục nhanh chóng của du lịch Việt Nam hậu đại dịch bệnh. Tính đến nay, Việt Nam vẫn là nước làm tốt việc phòng, chống dịch. Chúng ta hiện có 268 ca mắc và chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào.
Tin tức khác: Nhiều doanh nghiệp Du lịch lo tiếp tục lỗ vì bệnh dịch
Việc ngăn chặn và khống chế thành công dịch bệnh sẽ giúp Việt Nam dễ dàng đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá các điểm đến, sản phẩm du lịch đồng thời tạo sự an tâm cho khách du lịch khi là điểm đến "an toàn, thân thiện, hiếu khách".
(Nguồn Hà Trang/Báo Dân Trí)
* Tất cả bài viết đều thuộc về tuongtaccongdong.com, những sao chép hoăc sử dụng lại yêu cầu ghi trích dẫn nguồn về tuongtaccongdong.com. Xin cảm ơn!