Nhiều năm qua, du lịch đường sông TPHCM vẫn kém hiệu quả, chưa thực sự có sản phẩm hấp dẫn khách du lịch.
Tin tức khác: Hà Nội phát triển hệ thống mua sắm, ăn uống đạt chuẩn phục vụ khách du lịch
Sở hữu hơn 1.000 km đường sông, cùng hệ thống các kênh rạch TPHCM có tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch đường sông.
Dành ngày cuối tuần để trải nghiệm buýt đường sông nội đô trên sông Sài Gòn, từ bến Bạch Đằng qua kênh Thanh Đa, ra lại sông Sài Gòn đến phường Linh Đông, quận Thủ Đức và ngược lại, nhưng rồi chị Nguyễn Ngọc Trâm Anh ngụ quận Tân Phú cảm thấy thất vọng. Bởi theo chị, hành trình quá đơn điệu, tuyến đường dài suốt hơn 10 km đường sông nhưng không có hướng dẫn viên mô tả, video giới thiệu để bớt tẻ nhạt, hơn nữa các trạm dừng chân theo đúng nghĩa là trung chuyển chứ không có cảnh quan thu hút.
Bến tàu khách Thanh Đa đơn sơ vắng khách.
"Không phải là du lịch, chỉ là phương tiện giao thông bình thường, chỉ là đi từ trạm này qua trạm khác vậy thôi. Mấy trạm dừng chân đơn điệu, sơ sài quá, đâu có gì thu hút đâu. Bản thân em là khách chỉ đi 1 lần cho biết thôi chứ không có gì hấp dẫn em quay lại", chị Trâm Anh nói.
Trung bình mỗi ngày, tuyến buýt sông phục vụ khoảng 785 lượt hành khách, chủ yếu là chở khách du lịch trong và ngoài nước tham quan sông Sài Gòn. Cũng như chị Trâm Anh, anh Nguyễn Duy Khang, du khách đến từ Đà Nẵng, sau khi đi một hành trình buýt sông chia sẻ rằng tàu buýt trên sông chưa hấp dẫn du khách: "Chưa đi thì đi thử 1 lần cho biết chứ đi lâu dài chắc không. Hai bên bờ sông không có gì đặc sắc, đi dọc bờ sông cũng không có gì để ngắm cảnh nhiều, mình trải nghiệm thôi chứ không có gì hấp dẫn".
Buýt sông là một trong các giải pháp gần đây được TPHCM triển khai nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng của đường sông, song qua một thời gian hoạt động, buýt đường sông vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải cũng như tham quan, du lịch. Ngoài buýt sông, hiện nay một số công ty du lịch TP HCM cũng khai thác các tour du lịch đường sông theo 2 tuyến Sài Gòn – Cần Giờ và Sài Gòn – Củ Chi.
Anh Phạm Tuấn Vũ, Phụ trách tour đường sông Sài Gòn – Cần Giờ, Công ty Du lịch Phượng Hoàng Phoenix Voyages cho biết, du lịch đường sông ở Sài Gòn không đa dạng tuyến điểm trong khi đường sông dài. Và theo anh Vũ, ở nước ngoài như ở Ý, du lịch sông kết hợp thêm thăm quan thành phố, dọc bờ sông có các dịch vụ đi kèm như tham quan, lưu trú, nghỉ chân, mua sắm, giải trí… còn dọc bờ sông Sài Gòn theo tour hầu như không có dịch vụ gì, bến chỉ là điểm lưu thông chứ chưa đóng vai trò là điểm du lịch.
Du khách tham quan bằng xe bus trên sông.
"Các dịch vụ có nhiều hạn chế, các loại hình du lịch chỉ có du thuyền ăn tối trên sông nước thôi. Các hình thức khác như ở nước ngoài đi du ngoạn vào buổi chiều ngắm hoàng hôn hay bình minh trên sông Sài Gòn không có. Các hoạt động như đánh bắt hay xem đánh bắt như miền tây chưa được nhiều. Chưa có điểm lưu trú nên thành ra chỉ đi trong ngày nó rất là ngắn để có thể thưởng thức loại hình du lịch như vậy", anh Vũ cho biết.
Nhìn chung trên tuyến du lịch đường sông hiện nay còn thiếu về số lượng điểm dừng và hạn chế về chất lượng lẫn sự hấp dẫn, đoạn đường di chuyển dài nhưng lại không phát triển các điểm dừng chân phù hợp và các sản phẩm dịch vụ trên sông đi kèm.
Theo PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Tổng cục Du lịch, Thành Phố Hồ Chí Minh có các con sông lớn chảy qua như Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè cùng với hệ thống kênh rạch nên tiềm năng du lịch rất lớn. Tuy nhiên việc khai thác du lịch hiện nay còn rất hạn chế là do thiếu nghiên cứu để xác định thời gian khai thác hợp lý, khúc sông nào là hấp dẫn, cần đầu tư vào đâu, hệ thống các cầu cảng thế nào để thuận tiện cho khách,… hầu như chưa có để kêu gọi đầu tư, mà chủ yếu là các doanh nghiệp tự khai thác nên manh mún, nhỏ lẻ, tuyến đường dài nhưng cơ sở hạ tầng yếu kém, cảnh quan phục vụ hầu như không có.
PGS.TS Phạm Trung Lương nói: "Khách du lịch đường sông không phải chỉ ngồi trên thuyền đâu mà người ta còn cập vào các điểm tham quan quan giống như ở Châu Âu và rất nhiều nước. Và du lịch đường sông là dọc theo sông đó rất nhiều công trình, kiến trúc nghệ thuật, lịch sử văn hóa để khách du lịch có thể trải nghiệm. Mặc dù tiềm năng rất lớn nhưng du lịch đường sông chúng ta chưa phát triển được, chúng ta thiếu sự đầu tư cho cơ sở vật chất kỹ thuật, thiếu thuyền bè".
Tin tức khác: Phát triển du lịch cộng đồng ở Mù Cang Chải
Ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã xây dựng và thiết kế nhiều tuyến, tour du lịch đường sông song hiện nay loại hình du lịch này vẫn chưa thể phát triển do thiếu cơ sở hạ tầng đi kèm phục vụ hai bên bờ sông.
PGS.TS Phạm Trung Lương cũng chỉ ra, ô nhiễm dòng chảy ở Thành phố Hồ Chí Minh đang cản trở du lịch phát triển. Trong thực tế đã có đề án xây dựng du lịch đường sông mà gần như phải bỏ vì ô nhiễm. Để khai thác hiệu quả du lịch đường sông, ngoài hạ tầng, TP cần có đội ngũ phục vụ có nghiệp vụ du lịch đường sông chuyên nghiệp chứ không đơn thuần chỉ là người lái thuyền, lái tàu hay soát vé và phải có hướng dẫn viên, những người có thể xử lý được khi sự cố xảy ra để đảm bảo an toàn cho du khách.
(Nguồn Mai Cát/VOV – TP.HCM)
* Tất cả bài viết đều thuộc về tuongtaccongdong.com, những sao chép hoăc sử dụng lại yêu cầu ghi trích dẫn nguồn về tuongtaccongdong.com. Xin cảm ơn!