Khu vực mỗi năm đón khoảng 120 triệu khách quốc tế này là một trong những nơi đầu tiên trên thế giới rơi vào tình trạng khủng hoảng du lịch vì dịch bệnh.
Tin tức khác: Nơi 'hạnh phúc nhất thế' giới đóng cửa
Ông Phan Đình Huê, giám đốc doanh nghiệp chuyên đón khách quốc tế ở TP HCM, đã quyết định cho toàn bộ nhân sự nghỉ việc ở nhà và hưởng 50% lương. Công ty ông cầm cự đến giữa tháng 3 thì tạm ngưng hoạt động và hiện tại chưa biết khi nào mở cửa hoạt động trở lại.
"Hai văn phòng của công ty thuê ở TP HCM và Cần Thơ được chủ tòa nhà giảm giá 30%, bắt đầu từ tháng 5. Nhưng từ tháng một đến tháng 4, công ty không có doanh thu", ông Huê nói.
Dịch bệnh khiến lượng khách quốc tế vào Việt Nam trong tháng 3 và cả quý I/2020 giảm sâu nhất trong vòng 10 năm gần đây. Trong ảnh, đường phố TP HCM vắng vẻ ngày 31/3.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty vận chuyển du lịch Thiên Thảo Nguyên, trụ sở tại Hà Nội, cho biết mỗi tháng doanh nghiệp phải trả tổng cộng 1,6 tỷ đồng lãi và gốc cho ngân hàng. Bên cạnh đó, công ty có 150 đầu xe này phải chi 150 triệu đồng tiền thuê bến bãi, 1 tỷ đồng trả cho 200 nhân sự dù đã giảm 50% lương. Ông Tùng đang tính đến phương án bán bớt xe, thậm chí bán nhà để có tiền chi trả các khoản phí trên.
Hàng nghìn doanh nghiệp du lịch Việt Nam đang rơi vào tình cảnh tương tự, không có hợp đồng và kinh doanh "đóng băng". Tốc độ tăng trưởng du lịch Việt Nam nhiều năm liền nằm trong nhóm mạnh nhất thế giới, năm ngoái đạt 20%. Nhưng cú sốc do dịch bệnh gây ra đã đánh gục ngành công nghiệp không khói chiếm 10% tổng GDP chỉ trong thời gian rất ngắn.
Tại Bali, Indonesia, Mangku Nyoman Kandia, hướng dẫn viên người địa phương có hơn 30 năm làm nghề, kết luận: "Không có du khách, không có tiền".
Tin tức khác: Du lịch mùa dịch: 'Khó chồng khó'
Vào hồi đầu tuần trước, chính phủ Indonesia tuyên bố tình trạng khẩn cấp do đại dịch. Nhiều người trong số 4 triệu dân Bali sống dựa vào ngành du lịch trong nhiều thế hệ phải ở nhà, hạn chế đi lại khiến cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn.
"Virus đã đánh sập nền kinh tế Bali", ông Kandia nhấn mạnh và cho biết, 7.000 hướng dẫn viên giống ông đã nghỉ việc, ở nhà làm công việc khác, rất bấp bênh.
Vào ngày 1/4 chỉ có bốn chuyến bay quốc tế đến và đi từ sân bay Bali, giảm 95% so cùng ngày năm ngoái. Năm 2019, 1,3 triệu người Australia du lịch Bali nhưng giờ, những con đường trống vắng, bãi biển không bóng người và cửa hàng đóng cửa im lìm. Nhiều khách sạn đóng cửa và hàng nghìn người dân chật vật với thực tế phũ phàng này. I Ketut Ardana, đại diện Tổ chức du lịch Indonesia, cho biết 80% người Bali sống dựa vào du lịch, dù là gián tiếp hay trực tiếp.
Tại Thái Lan, hơn 4.000 con voi có thể bị bỏ đói tới chết vì ngành du lịch sụp đổ. Không còn khách, chủ của những bầy voi phục vụ du lịch đang cầu cứu vì không thể tiếp tục nuôi chúng, bởi một con có thể cần đến 200 kg thức ăn một ngày.
Lek Chailert, người sáng lập tổ chức Save Elephant Foundation, nói rằng, những con voi cần giúp đỡ nếu không sẽ chết đói, hoặc chủ sẽ bắt chúng đi ăn xin, hay bán cho những nơi kém nhân văn hơn.
Ngành du lịch Thái Lan có 60 năm truyền thống, phát triển bậc nhất trong khu vực và có nhiều kinh nghiệm đối mặt khủng hoảng trong quá khứ. Nhưng chưa khi nào William Heinecke, nhà sáng lập kiêm chủ tịch Minor International, lại tuyên bố đóng cửa hệ thống khách sạn của mình ở Bangkok như lần này. Ông Heinecke là tỷ phú tự thân đứng sau chuỗi khách sạn lớn nhất Thái Lan, với thương hiệu Anantara và Four Season Resorts cùng nhiều khách sạn khác ở Phuket. Hệ thống nhà hàng, khách sạn, bán lẻ của Heinecke sử dụng hơn 37.000 lao động, phần lớn đã đều được đóng cửa vào 23/3.
Ban bố tình trạng khẩn cấp từ cuối tháng ba, Thái Lan cấm khách nước ngoài nhập cảnh, hãng hàng không quốc gia tạm dừng hoạt động. Năm 2019, Thái Lan đón 40 triệu lượt khách quốc tế, và thị trường Trung Quốc đã chiếm khoảng 30% trong số đó.
Những con voi không còn phải chở khách song cũng không có đủ thức ăn.
Vào tháng 2, khách quốc tế đến Thái giảm khoảng 43% so cùng kỳ - trong đó khách Trung Quốc giảm 85%. Nước này dự đoán có thể mất 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay với thiệt hại khoảng 8 tỷ USD vì dịch bệnh. Tuy nhiên, đó là lúc dịch bệnh chưa bùng phát ở châu Âu và Mỹ, nguồn khách quan trọng của Thái Lan. Với việc đóng cửa biên giới hoàn toàn, thiệt hại đối với ngành du lịch nước này, vốn chiếm 12% GDP, còn khủng khiếp hơn nhiều.
Du lịch toàn cầu ngưng trệ giáng một đòn mạnh vào ngành công nghiệp không khói của Singapore. Tháng trước, đảo quốc sư tử dự báo lượng khách và chi tiêu du lịch có thể giảm từ 25 – 30% vì dịch bệnh bùng phát. Ông Keith Tan, giám đốc điều hành Tổng cục Du lịch Singapore, cho hay nước này mất khoảng 20.000 du khách mỗi ngày nhưng với tình hình dịch bệnh hiện tại, con số trên chưa dừng lại.
Singapore sẽ chi gói viện trợ 4,6 tỉ USD cho nền kinh tế và sẽ xem xét mở rộng ra gói thứ hai, nhưng chưa công bố số liệu cụ thể.
Các quốc gia trong khu vực cũng hối hả tìm cách bảo vệ nền kinh tế du lịch đang ngày càng lún sâu vào khủng hoảng. Nhân sự du lịch chiếm 10% tổng lượng lao động ở Indonesia - khoảng 12 triệu người, phần đông ở Bali, theo số liệu của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC). Chính phủ nước này đã công bố ba gói kích thích kinh tế riêng biệt tổng cộng 40 tỷ USD để giữ nền kinh tế, bao gồm giảm thuế, trợ cấp cho doanh nghiệp và cá nhân.
Giáo sư Sam Huang của Đại học Edith Cowan (Australia) nói rằng du lịch Bali bị tàn phá chưa từng có. Theo ông, những quốc gia và địa phương có tỷ trọng du lịch lớn trong nền kinh tế nên coi đây là bài học. "Cần xem xét lại tỷ lệ du lịch thích hợp trong nền kinh tế của một quốc gia hoặc địa phương", giáo sư Huang phát biểu.
Những du khách Pháp mắc kẹt tại Bali làm thủ tục tại sân bay quốc tế Ngurah Rai, trước khi lên chuyến bay charter về nước vào ngày 28/3.
Từ ngày 1/4, Việt Nam tiến hành cách ly xã hội, trước đó, các điểm tham quan đóng cửa, nhiều đường bay quốc tế tạm ngưng. Ước thiệt hại của ngành du lịch khoảng 7 tỷ USD, tính đến tháng 4. Bộ VHTTDL Việt Nam đã đề xuất các giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn do bệnh dịch gây ra. Cụ thể là miễn giảm các loại thuế, hỗ trợ các gói tín dụng cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch như giảm lãi suất vay từ 3%/năm; kéo dài thời gian ân hạn, chậm trả lãi vay, có các khoản vay ưu đãi mới...
Ông Phan Đình Huê nhận định, chưa bao giờ du lịch Việt Nam khủng hoảng như hiện nay, khi cả ngành đều "bất động", kéo dài trong 3 tháng qua và có thể nhiều tháng nữa. "Các hãng lữ hành Việt Nam phần lớn quy mô vừa và nhỏ, không có tích lũy, nên suy sụp nhanh. Vì thế, họ cần nhà nước ‘hà hơi tiếp sức’ để có thể giữ lại cơ sở vật chất và nhân sự", ông phân tích.
Tin tức khác: TP.HCM giảm hơn 84% lượt khách du lịch vì dịch bệnh
Chủ doanh nghiệp này đánh giá, nếu không giữ được doanh nghiệp, khi đại dịch kết thúc, du lịch Việt Nam sẽ không còn đủ sức cạnh tranh, không còn người phục vụ và tụt lại phía sau so với các nước trong khu vực vốn có tiềm lực mạnh hơn.
Theo ông Huê, du lịch Việt Nam nhiều năm qua cạnh tranh khá tốt với các nước có ngành công nghiệp không khói phát triển lâu đời và căn cơ hơn. Bằng chứng là lượng khách quốc tế tăng nhanh, tới 20% vào năm ngoái, đạt 18 triệu lượt. Hệ thống hạ tầng lưu trú, đường bay, điểm đến tương đối phát triển. Nhưng với cú sốc do Covid-19 này, du lịch Việt Nam có thể sẽ trở về mốc 5 đến 7 năm trước.
Phúc Hậu
Theo VnExpress
* Tất cả bài viết đều thuộc về tuongtaccongdong.com, những sao chép hoăc sử dụng lại yêu cầu ghi trích dẫn nguồn về tuongtaccongdong.com. Xin cảm ơn!