Về Đà Lạt trong hành trình khám phá cao nguyên Langbiang, bạn hãy thử sức chinh phục Bidoup - đỉnh núi được xem là "nóc nhà" của tỉnh Lâm Đồng.
Tin tức khác: 5 hồ bơi vô cực Việt Nam xuất hiện trên tạp chí nước ngoài
Những người hay đi Đà Lạt nói riêng hay đi du lịch trong nước nói chung chắc hẳn cũng đã một lần nghe nói tới Vườn quốc gia Bidoup - núi Bà (theo tên hai đỉnh cao nhất là Bidoup 2.287 m và đỉnh núi Bà trên dãy Langbiang cao 2.167 m).
Vườn quốc gia Bidoup, khu bảo tồn sinh học khu dự trữ sinh quyển, có diện tích rộng và độ đa dạng sinh học cao, cảnh sắc đa dạng, được bảo tồn trong tình trạng cực kỳ tốt và hầu như không hề có dấu tích của rác thải, con người.
Kiểu rừng chủ yếu là rừng thông đỉnh Bidoup, nằm trên địa phận tỉnh Lạc Dương có TL723 nối từ Đà Lạt đi Nha Trang cắt ngang (đèo Khánh Vĩnh/đèo Omega), và nằm ở phía đông bắc của TP Đà Lạt. Khi đi từ Đà Lạt về Nha Trang, đến cây xăng số 3 lúc trời trong, bạn có thể nhìn thấy rất rõ đỉnh núi cũng như hình dung được cung đường lên đỉnh núi khá dễ dàng.
Vị trí của đỉnh Bidoup tương ứng với Đà Lạt.
Để đi đến vườn, từ hồ Xuân Hương bạn đi ra phía hồ Than Thở, rồi theo tỉnh lộ 723 về phía Nha Trang, qua khỏi Đạ Sar, Đạ Nhim. Tới trung tâm xã Đạ Nhim, bạn lưu ý là nếu rẽ trái theo bảng chỉ thì sẽ vào trụ sở vườn và trung tâm du khách của vườn. Nếu chỉ đi leo Bidoup, bạn đi thẳng thêm khoảng 10km đến điểm có tọa độ 12.126361-108.613766 là tới điểm A, điểm đầu của một trong hai tuyến đường lên đỉnh.
Hiện có 2 tuyến đường lên đỉnh chính (như hình trên):
- Tuyến thứ nhất trạm Bidoup: A - B - C- D - đỉnh 2287 m:
+ Tuyến đường này là tuyến phải trek đoạn đường dài khoảng 17 km nhưng ít dốc hơn, phù hợp hơn cho những bạn mới đi hoặc ít đi trek.
+ Đoạn A-B: Từ tỉnh lộ 723 vào trạm kiểm lâm Bidoup: Đường cấp phối (có thể đi xe pickup isuzu 7 chỗ hoặc xe uoat 6 chỗ của vườn cung cấp nếu đặt trước). Còn đi bộ luôn từ đường nhựa, bạn có thể đi đường tắt, chỉ 7 km.
+ Đoạn B-D: Trước khi tới B, bạn sẽ đi xuồng dây kéo qua sông Đa Nhim, có thể dừng ăn trưa ở đây và nghỉ ngơi để đi thêm 3 km đến C, và rẽ trái leo dốc thêm 4km đến điểm D.
+ Đoạn D-đỉnh: D là điểm cắm trại nằm trên ranh giới rừng thông và rừng kín thường xanh (có nguồn nước suối sạch và nhà vệ sinh). Ngủ và cắm trại ở đây một đêm, sáng hôm sau đi thêm 3km trong rừng rậm để lên đỉnh Bidoup mây mù lạnh teo và siêu ẩm ướt.
Điểm cắm trại ở độ cao 1.800 m trước khi chuyển từ rừng lá kim vào rừng thường xanh rậm rạp.
- Tuyến thứ hai trạm K’long K’lanh: G - F - E - đỉnh 2.287 m:
+ Tuyến đường này dài 7 km, độ dốc cực kỳ cao và vắt sức khá nhanh. (Tuyến 1 và tuyến 2 đều xuất phát từ độ cao 1.600 m lên 2.287 m, nên đường dài hơn sẽ ít dốc hơn và ngược lại). Đoạn này toàn rừng rậm, chỉ có một đoạn rừng thông ngắn.
+ Đoạn G-F: Từ trạm kiểm lâm Klong Klanh di chuyển qua cầu treo, rồi leo dốc liên tục đến tảng đá nghỉ chân. Đây là điểm có view thoáng duy nhất trong hành trình. Những ngày trời trong có thể nhìn thấy đỉnh núi Bà - Langbiang phía xa.
+ Đoạn F-E-đỉnh: Lại tiếp tục leo dốc gắt đến thăm cây Pơ Mu 1.300 năm tuổi, rồi khi đến sát đỉnh bắt đầu kết hợp tay và chân nắm dây leo dốc 45 độ lên đỉnh. (Giữa F và đỉnh có một điểm cắm trại nhưng khá nhỏ và rậm rạp, nên ít nhóm cắm ở đây).
Tuyến đường này dốc khá gắt, nhất là khúc qua suối và gần đỉnh.
Một số lưu ý:
- Vườn quốc gia Bidoup rất sạch sẽ và được bảo vệ nghiêm ngặt nhất. Tuyệt đối không được xả rác, bắt buộc phải đăng ký và mua tour có hướng dẫn, và thêm người vác đồ nếu cần.
- Đi càng đông, chi phí càng giảm. Nếu bị phát hiện đi chui, khách sẽ bị phạt hoặc bị bắt nếu chống đối vì đó là quy định. Nếu bạn khỏe, có thể tự mang lều và đồ ăn riêng, hoặc thuê thêm các anh mang vác giúp cho nhẹ, có thời gian và sức khỏe ngắm cảnh, chụp hình.
- Du lịch và trekking ở các VQG cũng góp phần góp thêm kinh phí hoạt động bảo vệ và gìn giữ rừng một cách thiết thực, giúp thêm thu nhập cho các tộc người Cil, người Churu, người K’ho ở khu vực Bidoup.
Đường vào làng Đưng Iar Jieng, ngôi làng bị lãng quên.
- Ngoài chinh phục đỉnh Bidoup, tại khu vực vườn quốc gia còn có rất nhiều cung đường thú vị khác như đi thác Thiên Thai, đi Langbiang, gần đây có thêm cung đi từ đỉnh Bidoup qua đỉnh Núi Bà, hay cung đi ngược dòng Đa Nhim.
Tin tức khác: Loạt địa điểm check-in thu hút du khách ở Phú Quốc
- Nhiệt độ ở Bidoup, đặc biệt khi về đêm, rất lạnh và độ ẩm cao, gió thổi mạnh. Ban đêm, thời tiết đôi khi có thể xuống tới dưới 10 độ. Vì thế phải mang nhiều đồ ấm, mũ, găng tay, giày leo núi, túi ngủ, trải cách nhiệt, có thể thêm miếng dán sưởi ấm, trà gừng.
- Khu vực gần đỉnh Bidoup cũng nổi tiếng vì là thiên đường của vắt, nhất là đi theo tuyến đường thứ 2 bên Klong Klanh, vì độ ẩm cao. Không nên đứng ngồi lâu một chỗ hay chỗ rậm rạp, nhớ mang vớ dài kéo cao, bôi thuốc chống vắt quanh cổ giày, tất.
Nguồn Zing.vn
* Tất cả bài viết đều thuộc về tuongtaccongdong.com, những sao chép hoăc sử dụng lại yêu cầu ghi trích dẫn nguồn về tuongtaccongdong.com. Xin cảm ơn!