Nằm cách trung tâm thành phố Tuyên Quang 110 km, Na Hang hiện đang là một trong những huyện vùng cao có tiềm năng du lịch lớn. Với cảnh quan kỳ vĩ và nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá, Na Hang đang từng bước chuyển mình, thu hút sự quan tâm, khám phá của nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.
Tin tức khác: Hà Nội ấn tượng trong mắt du khách nước ngoài
Trải nghiệm “Hạ Long trên núi”:
Na Hang được đặt theo tiếng Tày - “Nà Hang”, có nghĩa là “ruộng cuối”. Tại nơi dòng sông Gâm chảy từ Hà Giang về gặp gỡ dòng sông Năng đổ từ Bắc Kạn tới, đã hình thành nên một vùng có cảnh quan thiên nhiên kỳ thú này. Nơi đây, mỗi dòng sông, nhánh suối, mỗi ngọn núi đều gắn liền với những câu chuyện truyền thuyết đầy hấp dẫn.
Khu du lịch sinh thái Na Hang có tổng diện tích 15.000 ha, trong đó có 8.000 ha là diện tích mặt nước. Hồ Na Hang nằm lọt thỏm giữa những vách đá hùng vỹ, xen kẽ là những vách núi đá vôi. Hình ảnh núi non điệp trùng với 99 ngọn núi, hồ Na Hang được ví như “Hạ Long trên núi”. Đến với Na Hang, du khách sẽ được nghe những sự tích đã đi vào lịch sử như: Thác Khuổi Nhi, Khuổi Súng, đền Pác Tạ, đền Pác Vãng, hang Phia Vài, hòn Cọc Vài, vách đá Nàng Tiên - Chú Khách, động Song Long...
Từ nhiều năm trước, các tour du lịch sinh thái trên lòng hồ đã sớm được xây dựng. Đi du thuyền trên lòng hồ Na Hang trong vòng 6 giờ, với chiều dài khoảng 70 km, du khách sẽ được đắm chìm cùng mênh mông sông nước, trùng điệp của núi rừng. Khi vãn cảnh của hồ Na Hang, du khách sẽ được ghé thăm thác Pắc Ban (thác Mơ), thác Khuẩy Súng, Khuẩy Nhi, Khuẩy Me, Tin Tát... và khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung, với hàng nghìn loại thực vật, động vật quý hiếm. Ngoài ra, du khách cũng sẽ được trải nghiệm hang Phia Vài, hang Thẩm Choóng, nơi chứa đựng nhiều dấu tích của thời sơ kỳ đá mới, cách ngày nay khoảng 7000 - 8000 năm.
Núi Cọc Vài
Văn hóa bản địa phong phú cũng chính là một trong những lý do khiến Na Hang trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn. Sau khi tham quan lòng hồ Na Hang, du khách sẽ được hòa mình vào đời sống của đồng bào dân tộc nơi đây, làm quen với những điệu hát truyền thống của dân tộc Tày, dân tộc Nùng, dân tộc Sán Dìu... Không chỉ vậy, Na Hang cũng nổi tiếng với những lễ hội truyền thống như: Lễ hội Lồng tồng của người Tày, người Nùng, lễ Cấp sắc, lễ Tơ hồng của người Dao trong trang phục thổ cẩm độc đáo…
Du thuyền trên hồ Na Hang
Na Hang không chỉ níu chân du khách bằng cảnh đẹp và văn hóa dân tộc, đến với Na Hang, du khách chắc chắn sẽ rất thích thú với những món ăn dân tộc phong phú. Lẩu cá lăng, cá nheo, thịt trâu khô, xôi ngũ sắc, những loại rau rừng hay những chén rượu ngô men lá chắc chắn sẽ khiến du khách khó thể nào quên hương vị Na Hang.
Cần nhiều giải pháp tập trung phát triển du lịch:
Đối với Na Hang nói riêng và Tuyên Quang nói chung, phát triển du lịch được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trên thực tế, các tour du lịch ở Na Hang mới chỉ tập trung khai thác những tài nguyên thiên nhiên có sẵn, những địa danh mang đậm dấu ấn lịch sử, tâm linh và một số đặc trưng văn hóa vùng miền. Các sản phẩm du lịch sáng tạo còn đơn lẻ, rải rác, chưa thực sự khéo léo để kéo khách đến và khách trở lại.
Tin tức khác: Báo Mỹ chọn Mù Cang Chải là điểm du lịch đáng đến trong năm 2020
Để Na Hang có thể phát triển du lịch xứng với tiềm năng hiện có, huyện Na Hang cần đẩy mạnh phối hợp với các huyện giáp gianh như huyện Lâm Bình (Tuyên Quang), huyện huyện Ba Bể, Pắc Năm, tỉnh Bắc Kạn; huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang ký kết, thực hiện liên kết phát triển du lịch vùng, làm phong phú thêm cho hành trình du lịch tại địa phương, cũng là tạo sự hấp dẫn đặc biệt, lôi cuốn du khách. Mỗi điểm đến có một hệ sinh thái riêng, có chiến lược phát triển riêng đã là một sức hút mạnh mẽ cho du khách đến, ở lại dài hơn và quay trở lại trong tương lai. Nhưng hai hoặc ba điểm đến liên kết với nhau, sẽ là một sản phẩm du lịch hết sức đặc biệt.
Hồ Na Hang
Để phát triển du lịch cộng đồng bền vững, huyện Lâm Bình gắn kết chặt chẽ với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, khôi phục các lễ hội, nghề truyền thống.
Ngoài ra, với số lượng lễ hội cổ truyền phong phú tại Na Hang, huyện Na Hang cũng cần phải tập trung đẩy mạnh khâu tổ chức, khôi phục, đưa những nét văn hóa đặc sắc của các lễ hội cổ truyền này tới đông đảo du khách hơn nữa.
Ẩm thực Na Hang
Thời gian gần đây, hình thức nhà ở homestay đã bắt đầu được người dân Na Hang xây dựng và mở rộng để phục vụ nhu cầu du lịch của du khách thập phương. Vì vậy, để đảm bảo du khách có những trải nghiệm tuyệt vời nhất tại địa phương, huyện Na Hang cần đẩy mạnh phối hợp với các hộ dân có khả năng làm du lịch cộng đồng để tạo điều kiện cho các hộ tập trung chỉnh trang khuôn viên, khôi phục những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn để hấp dẫn khu khách.
Na Hang có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch mạnh mẽ hơn nữa. Nhưng để phát triển du lịch một cách bền vững, huyện Na Hang cần gắn kết chặt chẽ với việc giữ gìn các bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, khôi phục các lễ hội, nghề truyền thống. Đó cũng là giải pháp để du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương trong thời gian sắp tới.
(Nguồn Hoàng Tiến/Văn Hiến Việt Nam)
* Tất cả bài viết đều thuộc về tuongtaccongdong.com, những sao chép hoăc sử dụng lại yêu cầu ghi trích dẫn nguồn về tuongtaccongdong.com. Xin cảm ơn!