100%

Làng nghề Việt Nam trong mắt truyền thông quốc tế

16 - 12 - 2019

Trần Phúc Hậu

Làng nghề Việt Nam trong mắt truyền thông quốc tế

Danh tiếng của bốn làng nghề truyền thống Việt Nam đã vượt ngoài tầm khu vực, vươn ra quốc tế và góp mặt trên các trang báo uy tín.

Tin tức khác: Quảng bá du lịch: Không thể bỏ kênh truyền hình Quốc tế

Làng nhang Quảng Phú Cầu:

Làng Quảng Phú Cầu nằm ở ngoại ô Hà Nội, nổi tiếng với nghề làm nhang truyền thống kéo dài hơn một thế kỷ. Mỗi ngày, hàng chục người lao động cần mẫn với công việc quen thuộc như nhuộm, sấy và cắt tre. Trên trang tin tức của mình, hãng thông tấn Pháp AFP đã giới thiệu về làng Quảng Phú Cầu vào thời điểm người dân bước vào thời điểm bận rộn trong năm. AFP mô tả: “Đây là thời gian quay cuồng nhất trong năm đối với những người dân lao động trong ngành tiểu thủ công nghiệp ở làng Quảng Phú Cầu. Công việc đậm tính truyền thống và tâm linh”.

Lang Quang Phu Cau nam o ngoai o Ha Noi noi tieng voi nghe lam nhan truyen thong

 Làng Quảng Phú Cầu nằm ở ngoại ô Hà Nội, nổi tiếng với nghề làm nhang truyền thống.

Manan Vatsyayana, phóng viên AFP đã dành trọn vẹn những ngày cuối năm tới thăm làng Quảng Phú Cầu, ghi lại hình ảnh chân thực và đẹp mắt nhất của người lao động. “Những thảm nhang được đặt khắp nơi. Điều thực sự gây ấn tượng đối với tôi chính là màu sắc. Tôi đã được thấy nhang cháy hàng ngàn lần trước đây, mùi hương chính là điều còn đọng lại trong tâm trí”, phóng viên người Ấn Độ nhận định.

Bức ảnh nữ lao động đang thu thập nhang phơi trong sân của ngôi làng đã vinh dự góp mặt trong 100 bức ảnh du lịch thế giới đẹp nhất của CNN. Các sản phẩm của làng nghề đầy màu sắc này không chỉ được tiêu thụ ở Việt Nam mà còn ở Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia và một số quốc gia khác. Trung bình, làng Quảng Phú Cầu sử dụng khoảng 200 tấn nguyên liệu mỗi tháng để làm ra 50 tấn hương.

Làng miến Cự Đà:

Lang mien Cu Da la mot trong nhung lang nghe truyen thong duoc bao ton tot nhat

Làng miến Cự Đà là một trong những làng nghề truyền thống được bảo tồn tốt nhất.

Cách Hà Nội khoảng 13 km về phía nam, làng miến Cự Đà là một trong những làng nghề truyền thống được bảo tồn tốt nhất. Tại đây, những ngôi nhà cổ xây dựng theo phong cách truyền thống Việt Nam, những tòa nhà có kiến trúc thời Pháp thuộc, cây cổ thụ hàng thế kỷ, đình chùa và cổng làng vẫn giữ nguyên dáng dấp cổ xưa. Nét độc đáo này đã thu hút sự chú ý của các phóng viên CNN. Trong bài đăng “Làng miến Việt Nam: Một chuyến đi “ngon tuyệt” đến ngoại ô Hà Nội”, tác giả Kate Springer có nhận định: “Trong suốt thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, ngôi làng được hưởng lợi từ một nền kinh tế thịnh vượng, dựa vào vị trí trên tuyến đường thương mại nhộn nhịp dọc theo sông Nhuệ. Sự thuận lợi này cho phép cư dân nơi đây xây dựng và duy trình kiến trúc độc đáo của các ngôi nhà cổ, cổng và đền thờ”. CNN trích lời của một du khách tại làng cổ Cự Đà: “Tôi thực sự yêu mến nơi này. Bạn có thể tìm thấy nhiều tòa nhà được bảo tồn. Nơi đây có sự pha trộn giữa kiến trúc kiểu thuộc địa châu Á, Trung Quốc, Việt Nam và thậm chí cả Pháp trong một ngôi làng”.

Người dân địa phương đã duy trì nghề làm miến truyền thống trong suốt 70 năm. Để có sợi miến ngon, ở mỗi công đoạn người làm miến phải cẩn thận và tỉ mỉ. Bột rong giềng được ngâm với nước và lọc để chọn lấy phần tinh bột, rồi được đánh lên. Một phần bột được ngâm với nước sôi gọi là bột chín. Bột chín mang hòa với bột đã lọc, với tỷ lệ 1/10 tạo nên hỗn hợp. Tiếp đó, bột được tráng thành bánh, hấp chín và đem phơi nắng, khi gần khô, bánh được đưa qua máy cán thành từng sợi nhỏ, dài và phơi nắng tiếp là thành miến thành phẩm. Thời kỳ đầu, người dân làng Cự Đà tự làm miến để sử dụng hằng ngày. Tuy nhiên, loại thực phẩm này trở nên phổ biến, từ đó mở ra hướng kinh doanh cho người dân. Mỗi năm, làng Cự Đà bán ra hàng trăm tấn miến.

Làng tơ Cổ Chất:

Làng tơ Cổ Chất thuộc thành phố Nam Định, cách Hà Nội khoảng 2 giờ xe chạy. Các hộ gia đình tại đây đã duy trì nghề ươm tơ truyền thống hơn một thế kỷ. Tháng 8 năm nay, vẻ đẹp và nét độc đáo của ngôi làng đã được giới thiệu trên kênh thông tấn Pháp AFP. Vụ sản xuất và ươm tơ bắt đầu vào tháng 3, tháng 4 và kết thúc vào khoảng tháng 10 hằng năm. Vào cuối vụ, lụa trắng được treo khắp nơi, trên những thanh tre mọi nẻo đường.

Tin tức khác: Đưa vào hoạt động tuyến tàu cao tốc Phú Quốc - Nam Du

Trong bài viết của mình, phóng viên AFP gọi đây là “nơi lưu giữ linh hồn sợi tơ của lụa Việt Nam”. Mỗi ngày, người dân nơi đây xử lý khoảng 30kg kén. Các sợi tơ thành phầm được bán cho thương lái, xuất khẩu sang nhiều quốc gia trong khu vực như Lào và Thái Lan.

Làng tương Bần Mỹ Hào:

Làng tương Bần thuộc huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên cách Hà Nội khoảng 30km đã thu hút sự chú ý không chỉ của các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp mà cả các tạp chí du lịch uy tín. Hình ảnh hai nữ lao động chuẩn bị các nguyên liệu để làm tương, đặc sản của Việt Nam đã xuất hiện trên National Geographic. Bức ảnh chụp từ trên cao bởi nhiếp ảnh gia người Việt Nam Phạm Ngọc Thạch ghi lại những lu tương xếp ngăn nắp với nhiều màu sắc khác nhau. Bức ảnh được các biên tập viên của một trong những tạp chí uy tín nhất thế giới đánh giá cao, đăng tải trên tài khoản Instagram chính thức của National Geographic vào tháng 8 năm nay.

(Nguồn Thanh Hằng/Văn Hóa Online)

* Tất cả bài viết đều thuộc về tuongtaccongdong.com, những sao chép hoăc sử dụng lại yêu cầu ghi trích dẫn nguồn về tuongtaccongdong.com. Xin cảm ơn!

Mua bán nhà đất

Tin liên quan

Hành trình kết nối cùng Tự tả cơ đồ chinh phục thế giới