100%

Du lịch trước nạn dịch corona: Người Việt ưu tiên du lịch Việt

08 - 02 - 2020

Trần Phúc Hậu

Du lịch trước nạn dịch corona: Người Việt ưu tiên du lịch Việt

“Bộ VHTTDL ghi nhận, tiếp thu ý kiến của các địa phương, Hiệp hội Du lịch, doanh nghiệp du lịch và sớm kiến nghị với Chính phủ ban hành các chính sách thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, khôi phục thị trường trong thời gian tới”.

Tin tức khác: Du thuyền 5 sao trên sông Sài Gòn 'méo mặt' vì dịch Corona

Đó là ý kiến kết luận của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng tại Hội nghị ngành Du lịch ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV, diễn ra tại Hà Nội, ngày 6.2. Hội nghị có sự tham gia của đại diện các tỉnh/thành: Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh; Hiệp hội Du lịch (HHDL) Việt Nam, Hiệp hội Khách sạn, Hiệp hội Lữ hành và đại diện các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, vận chuyển, hàng không lớn trên cả nước.

Thiệt hại có thể lên đến hàng tỉ USD:

Dịch bệnh do virus nCoV gây ra được dự đoán sẽ gây ra thiệt hại rất lớn đối với ngành Du lịch Việt Nam trong ngắn và trung hạn, nhất là sự sụt giảm nặng nề lượng khách du lịch đến từ thị trường Trung Quốc (hiện đang chiếm khoảng trên 30% tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam). Tác động tiêu cực trước mắt đối với ngành Du lịch Việt Nam là Trung Quốc đã hạn chế khách du lịch đi ra nước ngoài; Việt Nam không đưa/đón khách từ vùng dịch, tạm dừng tất cả các lễ hội; các thị trường quốc tế khác e ngại đến khu vực châu Á và người dân trong nước hạn chế đi du lịch...

Tai hoi nghi nhieu doanh nghiep du lich cho rang thi truong noi dia se la cuu canh cho du lich Viet Nam trong thoi diem kho khan nay

 Tại hội nghị nhiều doanh nghiệp du lịch cho rằng thị trường nội địa sẽ là “cứu cánh” cho du lịch Việt Nam trong thời điểm khó khăn này.

Theo tính toán của TCDL, ước tính thiệt hại trong 3 tháng tới đối với ngành Du lịch Việt Nam sẽ rất trầm trọng. Riêng thị trường khách Trung Quốc: khách du lịch giảm 90-100%, lượng khách sẽ giảm từ 1,7-1,9 triệu lượt; với mức chi tiêu bình quân 1.021 USD/lượt (theo kết quả điều tra năm 2019 của Tổng cục Du lịch), thiệt hại kinh tế sẽ là 1,8- 2 tỉ USD. Với những thị trường khách quốc tế còn lại, khách du lịch giảm 50- 70%, lượng khách sẽ giảm từ 2- 2,8 triệu lượt; với mức chi tiêu bình quân 1.083 USD/lượt (theo kết quả điều tra năm 2019 của Tổng cục Du lịch), thiệt hại kinh tế sẽ là 2,2- 3 tỉ USD. Thị trường khách nội địa: khách du lịch giảm 50- 70%, lượng khách sẽ giảm từ 10,9-15,3 triệu lượt; với mức chi tiêu bình quân 5,8 triệu đồng/lượt khách nghỉ qua đêm và 1,92 triệu đồng/lượt khách không nghỉ qua đêm (theo kết quả điều tra năm 2019 của Tổng cục Du lịch), thiệt hại kinh tế sẽ là 1,9-2,7 tỉ USD. Như vậy, tổng thiệt hại từ thị trường khách quốc tế, nội địa là khoảng 5,9 đến 7,7 tỉ USD. Trong đó, dựa trên cơ cấu chi tiêu của khách du lịch theo kết quả điều tra năm 2019: dịch vụ lưu trú thiệt hại 1,5 - 1,8 tỉ USD; dịch vụ ăn uống: 1,3 - 1,7 tỉ USD; dịch vụ vận chuyển: 1,0 - 1,4 tỉ USD…

Thực hiện các giải pháp đồng bộ:

Để ứng phó với tình hình dịch bệnh và phục hồi sau khi dịch bệnh được khống chế, ngoài việc phòng chống dịch, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành Du lịch đề xuất các giải pháp cụ thể. Trong đó, đẩy mạnh khai thác các thị trường trọng điểm gần, có kết nối đường bay thuận tiện đang có tốc độ tăng trưởng cao, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và ASEAN; Tập trung khai thác thị trường lớn, tiềm năng như Ấn Độ; tăng cường thu hút khách du lịch từ Bắc Mỹ, khai thác mạnh hơn thị trường Mỹ và Canada nhất là khi có đường bay thẳng từ Việt Nam đến Mỹ. Duy trì và mở rộng thị trường Tây Âu và Bắc Âu. Tăng cường thu hút khách du lịch từ Nga và các nước Đông Âu, đẩy mạnh khai thác thị trường Australia và New Zealand.

Cau lac bo lu hanh UNESCO Ha Noi phat khau trang mien phi cho du khach quoc te tai Van Mieu

 Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội phát khẩu trang miễn phí cho du khách quốc tế tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội vào sáng 6.2.

Cơ cấu lại thị trường khách quốc tế đến Việt Nam và ưu tiên bố trí nguồn kinh phí từ Chương trình Xúc tiến du lịch quốc gia và Chương trình Hành động quốc gia 2020, để tổ chức sớm các hoạt động xúc tiến thị trường để bù đắp lại lượng khách sụt giảm từ các thị trường. Làm việc với các đối tác, đặc biệt là các hãng hàng không về kế hoạch hợp tác, xúc tiến phục hồi ngành Du lịch sau khi dịch bệnh được khống chế. Tập trung nguồn lực thực hiện các chiến dịch quảng bá trên các nền tảng truyền hình, mạng xã hội, kênh truyền thông lớn như CNN với nội dung, thông điệp khẳng định năng lực kiểm soát khủng hoảng và Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện đối với du khách.

Tin tức khác: Mời người nổi tiếng tới Việt Nam quảng bá du lịch sau đợt dịch corona

Về những giải pháp, chính sách hỗ trợ cấp bách, TCDL sẽ sớm xây dựng, triển khai thực hiện chương trình kích cầu, giảm giá du lịch để thu hút khách trở lại ngay trong thời điểm đang diễn ra dịch, định hướng vào những điểm đến chưa có dịch. Đề xuất Chính phủ, Quốc hội cho phép giảm thuế, giãn thuế, chỉ đạo ngân hàng giảm lãi suất vay đối với doanh nghiệp du lịch (lữ hành, lưu trú, vận chuyển…). Đề nghị Chính phủ xem xét khả năng miễn lệ phí visa và đơn giản thủ tục visa cho khách du lịch trọn gói đi theo đoàn do các công ty lữ hành quốc tế phục vụ, cho phép triển khai cấp visa tại cửa khẩu.

Kiểm soát việc “chặt chém” sau dịch:

TCDL cũng đề nghị Bộ VHTTDL ưu tiên bố trí sớm kinh phí và cho phép thay đổi kế hoạch, địa bàn xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam nếu cần thiết từ nguồn Chương trình Xúc tiến du lịch quốc gia và Chương trình Hành động quốc gia về du lịch năm 2020 để triển khai ngay từ đầu năm 2020 các nhiệm vụ đã xây dựng, trình Bộ trưởng từ cuối năm 2019. Đề nghị UBND các tỉnh/ thành phố xem xét giảm giá, miễn phí vé, phí tham quan từ 1- 2 tháng sau khi hết dịch, kiểm soát chặt việc “chặt chém”, nâng giá để kích cầu du lịch sau khi dịch nCoV được kiểm soát. Về lâu dài ngành Du lịch sẽ tập trung tổ chức đào tạo nhân lực cho các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp kiến thức xử lý khủng hoảng trong du lịch, khắc phục nhanh hậu quả dịch bệnh. Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch khảo sát, tuyên truyền quảng bá du lịch tại các thị trường tiềm năng, thị trường du lịch mới, thị trường không bị ảnh hưởng do dịch bệnh để phục vụ phát triển du lịch sau khi dịch được kiểm soát.

Kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng đề nghị các địa phương, doanh nghiệp tiếp tục sát cánh cùng ngành Du lịch phòng chống dịch, hạn chế tối đa việc lây nhiễm dịch qua đường du lịch, cố gắng duy trì các hoạt động của ngành trong thời gian dịch vẫn đang tiếp diễn. Thứ trưởng cũng yêu cầu TCDL ghi nhận, tiếp thu các ý kiến của đại diện các địa phương, HHDL, doanh nghiệp du lịch để đưa ra giải pháp khả thi, phù hợp. “Bộ VHTTDL sẽ nghiên cứu các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp như: miễn giảm thuế, giãn nợ, giảm lãi ngân hàng, miễn lệ phí visa đến hết năm 2020 cho khách quốc tế đến Việt Nam… “Cái gì cần phải làm ngay, không chờ hỗ trợ cả gói, không chờ hết dịch. Đến cuối tháng 2, TCDL phải trình được phương án các chính sách hỗ trợ để Bộ trình Chính phủ”, Thứ trưởng Lê Quang Tùng nói.

(Nguồn Thúy Hà/Báo Văn Hóa Điện Tử)

* Tất cả bài viết đều thuộc về tuongtaccongdong.com, những sao chép hoăc sử dụng lại yêu cầu ghi trích dẫn nguồn về tuongtaccongdong.com. Xin cảm ơn!

Mua bán nhà đất

Tin liên quan

Hành trình kết nối cùng Tự tả cơ đồ chinh phục thế giới