Dân gian Việt Nam có câu “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, do đó tục thờ cúng cũng bắt đầu hình thành. Ngày nay, du lịch tâm linh là loại hình du lịch khá mới mẻ nhưng lại vô cùng quen thuộc tại Việt Nam. Hãy cùng tuongtaccongdong.com nghiên cứu loại hình du lịch này bạn nhé!
Trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, du lịch tâm linh đã trở thành một xu hướng mới ngày càng phổ biến. Tuy vậy, những hiểu biết và nhận thức về loại hình du lịch này của du khách trong và ngoài nước cũng vẫn chưa thực sự đầy đủ và thống nhất. Trong bối cảnh ngành Công nghiệp Du lịch Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm qua, du lịch tâm linh đang dần có chỗ đứng vững chắc và góp phần to lớn vào sự tăng trưởng chung của Du lịch Việt, giá trị nó đem lại không chỉ dừng ở mức lợi ích kinh tế, mà còn là những giá trị to lớn khác về mặt tinh thần cho đời sống, xã hội của người dân.
Xem thêm: Quảng bá du lịch Tp. HCM tại châu Âu
Khái niệm về du lịch tâm linh:
Chùa Linh Ứng ở bán đảo Sơn Trà - Đà Nẵng
Du lịch tâm linh trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng có những khái niệm khác nhau và cho đến ngày nay, vẫn chưa có một khái niệm chung thống nhất nào. Tuy nhiên, xét về nội dung và tính chất hoạt động của các tour du lịch hiện tại, du lịch tâm linh thực chất là loại hình du lịch tập trung vào khai thác yếu tố văn hóa tâm linh của địa phương, khu vực làm cơ sở, với mục tiêu nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người trong đời sống về tinh thần.
Theo cách nhìn đó, du lịch tâm linh khai thác những yếu tố văn hóa tâm linh trong quá trình diễn ra các hoạt động du lịch, dựa vào những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của con người địa phương, cũng là những giá trị về đức tin, tôn giáo, tín ngưỡng và những giá trị tinh thần đặc sắc khác. Theo đó, du lịch tâm linh mang lại những trải nghiệm rất linh thiêng và cảm xúc về tinh thần của con người khi đi du lịch, giúp du khách cảm thấy thanh thản.
Với khải niệm như vậy, có thể thấy những tour du lịch tâm linh hiện tại luôn gắn liền với những không gian văn hóa, cảnh quan riêng của các khu tham quan nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch mà du khách mong muốn, vì du lịch tâm linh thực chất là du lịch văn hóa với trọng tâm là khai thác về tâm linh, tôn giáo. Du khách Việt Nam thường hội tụ về các điểm du lịch tâm linh phổ biến như: đền, chùa, đình, đài, lăng tẩm, miếu, tòa thánh, khu thờ tự, tưởng niệm và những vùng đất linh thiêng gắn liền với văn hóa truyền thống và lối sống tại địa phương. Ở đó, du khách tiến hành các hoạt động thăm quan, tìm hiểu văn hóa lịch sử, triết lý, cầu nguyện, cúng tế, chiêm bái, tri ân, báo hiếu, thiền, tham dự lễ hội tâm linh.
Xem thêm: Đột phá chiến lược, du lịch Quảng Ninh bứt phá chưa từng thấy
Khu du lịch quần thể Tràng An - Ninh Bình được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và di sản thiên nhiên của thế giới
Thông qua đó, du lịch tâm linh mang lại những cảm nhận, giá trị trải nghiệm và giải thoát trong tâm hồn của con người, cân bằng và củng cố những đức tin về tôn giáo và tín ngưỡng, đồng thời hướng du khách đến những giá trị chân, thiện, mỹ và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống chung của toàn xã hội.
Để đáp ứng về nhu cầu du lịch tâm lịch hiện tại của du khách, các hoạt động kinh doanh, tổ chức dịch vụ nhằm phục vụ du lịch trên các chuyến hành trình và tại các khu vực phù hợp đã được thực hiện, qua đó tạo ra công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho kinh tế cư dân địa phương, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương nói riêng và của cả nước nói chung.
Đặc điểm riêng biệt của du lịch tâm linh tại Việt Nam:
Du lịch tâm linh gắn liền với tôn giáo và đức tin của người dân Việt Nam, trong đó, Phật giáo chiếm số lượng lớn nhất (hơn 90%) cùng với nhiều tôn giáo khác như Thiên chúa giáo, đạo Cao đài, đạo Hòa Hảo, ... cùng với đó là triết lý phương đông, đức tin, giáo pháp, những giá trị vật thể và phi vật thể gắn liền với các thiết chế, công trình tôn giáo như chùa chiền, tòa thánh, ... và các di tích lịch sử khác là đối tượng mục tiêu được hướng đến của các tour du lịch tâm linh.
Miếu bà Chúa Xứ Châu Đốc - An Giang là nơi được nhiều du khách chọn làm điểm đến cho chuyến du lịch tâm linh
Hoạt động chủ yếu của du lịch tâm linh Việt Nam đó là thờ cúng, tri ân những vị anh hùng dân tộc, những vị tiền bối có công với đất nước, trở về cội nguồn với đạo lý uống nước nhớ nguồn. Theo đó, mới đây, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vừa được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện nhân loại.
Các hoạt động thể thao của du lịch tâm linh Việt Nam thường là thiền, yoga, thái cực quyền và võ dân tộc, nhằm hướng tới sự cân bằng, thanh tao, siêu thoát trong đời sống tinh thần của người dân. Đặc trưng và tiêu biểu ở Việt Nam đó là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Xem thêm:Review, check-in những khu Du Lịch Tâm Linh tại Việt Nam
Dưới đây là một vài gợi ý các điểm đến du lịch tâm linh trong nước:
Chùa Một Cột – Hà Nội
Chùa Hương – Hà Nội
Chùa Bái Đính – Ninh Bình
Chùa Linh Ứng – Đà Nẵng
Mộ chị Võ Thị Sáu – Côn Đảo
Khu tâm linh Thất Sơn – An Giang
Phúc Hậu
* Tất cả bài viết đều thuộc về tuongtaccongdong.com, những sao chép hoăc sử dụng lại yêu cầu ghi trích dẫn nguồn về tuongtaccongdong.com. Xin cảm ơn!